Điển hình như Bệnh viện nhi tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận gần 1.000 trường hợp bệnh nhi bị đau mắt đỏ đến khám tính từ đầu tháng 9 đến nay. Còn tại Bệnh viện mắt quốc tế Sài Gòn-Gia Lai, trung bình 1 ngày khám trên 100 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt, trong đó hơn 50% là bệnh đau mắt đỏ. Tương tư, trung bình 1 ngày, Trung tâm Y tế TP Pleiku cũng tiếp nhận gần 100 ca đau mắt đỏ đến khám và điều trị.

leftcenterrightdel
Số lượng trẻ em đến khám đau mắt đỏ tại các bệnh viện chuyên khoa mắt trên địa bàn tỉnh Gia Lai có xu hướng tăng cao trong những ngày qua.

Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh và nguy cơ lây lan trong các trường học. Cao điểm của dịch bắt đầu từ đầu tháng 9 và tăng cao sau ngày khai giảng năm học mới.

Bệnh đau mắt đỏ do vi rút gây ra, thường khởi phát từ vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ban đầu, bệnh xuất hiện ở 1 mắt, sau đó lan sang 2 mắt với các triệu chứng như: Phù mi từ nhẹ đến nặng; nổi hạch thường gặp (hạch đau trước tai); cương tụ kết mạc và hột điển hình, có thể thấy nhú ở kết mạc sụn mi; xuất huyết kết mạc; phù kết mạc; giả mạc; chảy nước mắt, có nhiều gỉ mắt và khó mở mắt khi ngủ dậy.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đã đưa ra những khuyến cáo đối với người dân và đề nghị các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Tổ chức hướng dẫn, triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng; các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị; thông báo kịp thời cho các đơn vị có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh...

Tin, ảnh: SƠN TÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.