Thống kê của Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong; trong đó 76.846 trường hợp mắc bệnh đã nhập viện. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17) số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 7 trường hợp. 

Số trường hợp mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội có xu hướng chững lại 

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết,  tính đến hiện tại, theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh); tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước (sau Đà Nẵng và Bình Dương). Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so với tuần trước số mắc giảm 7 trường hợp, có xu hướng chững lại; tỷ lệ mắc/100.000 dân là 196,6. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 16-8-2017, Hà Nội ghi nhận 17.027 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện 2.588, (chiếm 15%); ghi nhận có xu hướng giảm trong những ngày gần đây. 

leftcenterrightdel
 Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết, với tinh thần làm việc rất khẩn chương, 6 đội thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xuống xã phường để thực hiện giám sát phun thuốc. Thành phố Hà Nội đã tiến hành 3 đợt ra quân liên tục phun thuốc diệt muỗi liên tục ở 100% các địa điểm trong thành phố có ổ dịch sốt xuất huyết; toàn thành phố đều thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy, đồng thời thành lập các tổ giám sát các đội này. Ngoài ra thành phố đã tiến hành phun thuốc muỗi tại các ổ dịch trên diện rộng. Đồng thời thực hiện phun bằng ô tô ở trên đường phố, phun mù nóng ở công trường. Riêng ở nhà dân thì phun sương mù. Hiệu quả sau phun rất khả quan, mật độ muỗi giảm, nhiều nơi không còn. Hiện Hà Nội đã khống chế được 138 trên 1.300 ổ dịch.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, đến nay, Hà Nội đã huy động 25 máy phun công suất lớn trên ô tô, 10 máy phun mù nóng, 180 máy phun đeo vai để phun hóa chất diệt muỗi nhằm “hạ hỏa” dịch sốt xuất huyết. Thời gian tới, để “hạ hoả” và khống chế, tiến tới loại trừ dịch sốt xuất huyết Hà Nội sẽ phân ra mức mật độ dịch để tập trung lượng lượng vào dập dịch. Trước mắt phân loại 12 quận “nóng” về dịch để có cách ứng phó phù hợp.

Tiếp tục tăng cường công tác diệt muỗi, diệt bọ gậy

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đến hết ngày 13-8 tất cả 584 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện đã thành lập các Đội xung kích diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Toàn thành phố đã thành lập được 25.620 Đội xung kích diệt bọ gậy với 62.362 người tham gia; 4480 tổ giám sát với 9.340 người. Các đội xung kích phụ trách gần 1,8 triệu hộ gia đình. Tất cả các đội xung kích và tổ giám sát đã được tập huấn về chuyên môn kỹ thuật xong trước ngày 11-8.

leftcenterrightdel
 Các nhân viên y tế xuống tận từng nhà dân để tuyên truyền và phun thuốc muỗi phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Tại buổi họp, báo cáo của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương, Cục Y tế dự phòng... đều cho thấy các giải pháp phòng, chống dịch đang phát huy hiệu quả. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tuy tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn trước. Số muỗi bọ gậy cũng đã giảm nhiều sau các đợt phun thuốc, diệt bọ gậy.

Về việc phát hiện và diệt các ổ bọ gậy nhiều ý kiến cho rằng, các đội xung kích tại phường, xã hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Nhiều thành viên là người cao tuổi, sức khoẻ yếu và cũng không có kỹ thuật để có thể leo chèo, phát hiện nơi chứa bọ gậy. Chính vì vậy, chuyên gia cũng kiến nghị cần tăng cường cho đội này, đồng thời lưu ý các địa điểm thường chứa nhiều bọ gậy như: thùng xốp trồng hoa, trồng rau trên tầng thượng, khay chứa nước tồn trong tủ lạnh, thùng phuy chứa nước trong nhà vệ sinh... để người dân phát hiện diệt bọ gậy.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến  chỉ đạo tại buổi họp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự sát sao của UBND thành phố Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiệu quả phun muỗi tại cộng đồng và gia đình đã làm cho mật độ muỗi giảm rõ rệt. Số ca bệnh có xu hướng giảm so với tuần trước. Như vậy, có xu hướng giảm muỗi và giảm ca mắc bệnh. Tuy nhiên, để việc phòng chống dịch hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị công tác truyền thông phải đi trước một bước, tập trung tuyên truyền về ổ chứa muỗi, loăng quăng; những dấu hiệu của bệnh và hướng dẫn điều trị khi mắc bệnh. Ngoài ra, thực hiện phối hợp phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng nhất là ở những địa điểm tập trung đông người như, trạm, trường, chợ... “Hà Nội cần quyết tâm hơn nữa trong việc phun hóa chất trên diện rộng bằng máy công suất lớn trên xe ô tô, kết hợp máy đeo vai vào từng nhà dân. Cơ bản nhất vẫn là thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết bằng cách lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước. Về điều trị bệnh nhân, dứt khoát phải phân loại bệnh, không cần thiết thì không cho nhập viện để tránh lây chéo, tránh quá tải”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Trên bản đồ dịch tễ của Hà Nội, 12 quận huyện có dịch bệnh sốt xuất huyết đã ở mức báo động đỏ là: Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân. Các quận, huyện có mức báo động cấp 2 là: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Long Biên. Các quận, huyện còn lại ở mức cảnh báo cấp 3. 

Bài và ảnh: THÁI SƠN