Nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình SXH đang diễn biến phức tạp ở 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 26 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc SXH, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó đã có 17 ca tử vong. Ở miền Bắc, nhất là trên địa bàn TP Hà Nội, số ca mắc SXH đang tăng nhanh và diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, môi trường ẩm thấp là điều kiện sản sinh ra các ổ muỗi gây SXH - nguyên nhân hàng đầu lan truyền dịch bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại Khoa Nội truyền nhiễm (Bệnh viện Quân y 354). Ảnh ĐÌNH NĂNG.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Sự nguy hiểm của SXH là chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh có thể phát triển thành dịch lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Việc xét nghiệm SXH và chẩn đoán còn gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng của bệnh SXH dễ nhầm lẫn với triệu chứng những bệnh khác như sốt rét, sốt thương hàn, bệnh leptospirosis. Để xác định bệnh SXH cần tìm hiểu về tiền sử bệnh, môi trường sống và các triệu chứng lâm sàng điển hình của SXH. Hiện nay đã có tới 4 chủng vi-rút SXH lưu hành là Dengue 1, 2, 3 và 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng vi-rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch với chủng vi-rút đó, mà không có khả năng miễn dịch với những chủng vi-rút còn lại. Do vậy, một người có thể sẽ mắc SXH 4 lần trong đời. Trẻ em, người trưởng thành và người già đều có nguy cơ mắc bệnh. Người bệnh nghi nhiễm SXH có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm cần thiết khác nhằm phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Quân đội tiên phong phòng, chống dịch
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngay từ đầu năm, trong công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) chỉ đạo ngành quân y toàn quân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh SXH nói riêng, có các biện pháp khoa học và kiên quyết để ngăn chặn dịch bệnh, tuyệt đối không để bùng phát dịch trong các đơn vị quân đội. Với bệnh SXH, theo thống kê, số ca nhiễm SXH tích lũy từ đầu năm đến nay có hơn 190 trường hợp nhập viện điều trị, phân bố rải rác trong toàn quân, trong đó các đơn vị phía Bắc có dấu hiệu gia tăng. Đại tá Nguyễn Xuân Kiên, Phó cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), cho biết: "Cục Quân y thường xuyên cử các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực tiễn cho thấy, quân y các đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, người chỉ huy triển khai nhiều giải pháp sáng tạo trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, các đơn vị trong toàn quân luôn kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa hiệu quả, phát hiện và điều trị kịp thời các ca bệnh, không để bùng phát.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Vượng, Chính ủy Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội), thì mặc dù nằm trong vùng dịch, song từ đầu năm đến nay, đơn vị chưa có trường hợp nào mắc bệnh SXH. Đó là kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của bộ đội về bệnh SXH và triệt tiêu nguồn lây bệnh. Thông qua sinh hoạt, giao ban, hội ý hằng ngày, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội nhận thức đúng về dịch bệnh để chủ động phòng, chống, bảo vệ sức khỏe bản thân. Các công trình, vị trí chứa nước đều được khơi thông thoáng, sạch sẽ và có các biện pháp phun thuốc, xử lý diệt loăng quăng, bọ gậy - nguồn sinh sản muỗi lây bệnh SXH...
Cùng với chú trọng việc phòng, chống dịch trong đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy các cấp còn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân, nơi công tác và địa bàn khu vực đơn vị huấn luyện để tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch bệnh, giúp dân tổng dọn vệ sinh, khử khuẩn môi trường, triệt tiêu nguồn lây bệnh. Quân y các đơn vị kịp thời phát hiện, điều trị và khuyến cáo các trường hợp có nguy cơ lên tuyến trên để điều trị kịp thời. Tại các bệnh viện quân đội, các trường hợp đều được xác định đúng tình trạng nhiễm bệnh và phân loại điều trị hiệu quả. Ngoài điều trị tại bệnh viện, các bệnh viện quân y cũng tăng cường công tác chỉ đạo tuyến trong phòng, chống bệnh SXH, được quân y các đơn vị và cơ sở y tế tuyến dưới đánh giá cao.
Với các giải pháp đồng bộ, mặc dù số ca nhiễm bệnh SXH trong nước cũng như quân đội có tăng, song toàn quân đã kiểm soát và điều trị hiệu quả, không để dịch xảy ra.
TIẾN ĐẠT