Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong vòng một tuần qua số lượng bệnh nhân mắc SXH ở Hà Nội tăng nhanh kỷ lục với 2.305 trường hợp, nâng  tổng số bệnh nhân mắc SXH lên tới gần 9.000 trường hợp với 5 người tử vong.Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 8.982 trường hợp mắc sốt  xuất  huyết; trong đó, gần 88% đã khỏi, 4 người đã tử vong. Riêng trong tuần ngày từ 24 đến 30-7, toàn thành phố tiếp tục ghi nhận thêm 2.305 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các địa bàn có số ca ghi nhận cao trong tuần là Hoàng Mai (400), Đống Đa (380), Hai Bà Trưng (224), Thanh Xuân (178), Cầu Giấy (142), Ba Đình (113), Thanh Trì (106), Hà Đông (97), Nam Từ Liêm (90), Thường Tín (69).

Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết, hơn 3 tháng nay, hầu như các y, bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa không có ngày nghỉ. Nếu như mọi năm, bệnh SXH thường xuất hiện vào tháng 9 trở đi thì năm nay nó lại tới sớm hơn 4 tháng. Tính đến ngày 1-8, số bệnh nhận mắc SXH đến khám tại đây đã là 3.000 người, trong đó có tới hơn 1/3 trường hợp phải nằm lại để điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh viện có khoảng 1.400 bệnh nhân đang nằm điều trị, trong đó có hơn 500 bệnh nhân mắc SXH. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải con số cuối cùng bởi những người nhập viện vì SXH vẫn tăng lên từng ngày.

leftcenterrightdel
 Các bác sĩ Bệnh viện E khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Còn tại Khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E Trung ương, số bệnh nhân nhập viện vì SXH cũng tăng cao, có ngày cao điểm 6 bệnh nhi mắc SXH nhập viện trong đêm. TS, bác sĩ Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E khuyến cáo, bệnh SXH sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc sốt xuất huyết nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.

Trước tình hình bệnh SXH có diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Hà Nội yêu cầu các địa phương, nhất là các quận có số người mắc SXH cao như Đống Đa, Hoàng Mai, Ba Đình, Cầu Giấy… phải thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; toàn thành phố cũng chỉ đạo, cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính quyền các cấp cần tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền đến từng người dân nắm và biết được cách thức phòng, chống SXH; tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Phụ nữ mang thai mắc SXH cần được theo dõi sát sao

Theo TS, bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai: Hiện nay trung bình khoa có khoảng 70 bệnh nhân SXH trên tổng số gần 200 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số đó, 15-20% bệnh nhân là phụ nữ có thai. Diễn biến SXH trên phụ nữ có thai rất khó lường, chúng tôi khuyên phụ nữ có thai mắc SXH nên nhập viện điều trị. Bệnh nhân sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận... cũng như tình trạng của thai nhi hằng ngày để xem có dấu hiệu dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không. Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, SXH dễ làm chảy máu cùng với đó là chảy máu trong lúc sinh nở sẽ dễ khởi động quá trình rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.

 

leftcenterrightdel
 TS, bác sĩ Đoàn Thu Trà, Trưởng phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) đang khám bệnh cho phụ nữ có thai mắc SXH.

Điều trị các bệnh phối hợp nói chung và SXH nói riêng cho phụ nữ mang thai thường rất khó tiên lượng. Cần phải theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa khác cùng phối hợp như sản, huyết học, hồi sức... để kịp thời xử trí khi có biến chứng xảy ra. Trong quá trình điều trị cũng cần thận trọng khi chỉ định dùng thuốc (truyền dịch, truyền máu, thuốc hạ sốt, kháng sinh,…) vì những ảnh hưởng của nó đối với thai. Ngay cả các thuốc có thể chỉ định dễ dàng cho bệnh nhân khác thì khi sử dụng cho thai phụ vẫn phải có sự thống nhất của bác sĩ truyền nhiễm và bác sỹ sản khoa sau khi đã cân nhắc rất kỹ.

TS, bác sĩ Đoàn Thu Trà, Trưởng phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây Khoa Truyền nhiễm đã kết hợp cùng Khoa Sản điều trị thành công, đảm bảo an toàn cho 2 sản phụ mắc SXH, đó là một sản phụ 37 tuần và một sản phụ thai 39 tuần. Sản phụ thai 37 tuần bị sốt cao, đã đi khám ở rất nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra SXH. Khi bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao liên tục, đau bụng, tiểu cầu xuống thấp. Bệnh nhân đã được đưa vào phòng cấp cứu, theo dõi đặc biệt. Trong quá trình bệnh nhân chuyển dạ, các bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm đã kết hợp cùng các bác sĩ Khoa Sản và Khoa Huyết học liên tục truyền khối tiểu cầu cho bệnh nhân. Kết quả là một bé gái 2,8kg đã ra đời an toàn và sau đó người mẹ được trở về Khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị. Đến ngày 3-8, bệnh nhân đã ổn định, tiểu cầu đã trở về mức an toàn và bệnh nhân sẽ được xuất viện.

Còn bệnh nhân thai 39 tuần sống trong vùng dịch tễ có SXH, nhập viện trong ngày sốt thứ 3. Sau 3 ngày theo dõi tại khoa, bệnh nhân đã chuyển dạ sinh con an toàn. Chiều 4-8, bệnh nhân được đón về khoa để tiếp tục điều trị SXH.

Các chuyên gia chia sẻ, phụ nữ đang mang thai cần cố gắng phòng tránh mắc bệnh SXH, để làm được điều đó nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi… để đuổi và diệt muỗi. Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt lăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh. Nên tích cực tham gia và vận động mọi người cùng tham gia vệ sinh môi trường ở nơi mình đang sinh sống để góp phần phòng tránh SXH cho bà bầu.

Hà Nội chi gần 9 tỷ đồng phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, số bệnh nhân vẫn tiếp tục gia tăng, UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định bổ sung thêm hơn 8 tỷ đồng kinh phí tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. 

Trong đó 8,567 tỷ đồng trích từ nguồn dự phòng của ngân sách thành phố năm 2017, bổ sung dự toán chi ngân sách cho Sở Y tế để thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết. UBND thành phố giao Sở Y tế quyết định việc mua sắm bổ sung hóa chất, sinh phẩm, vật tư và máy móc, thiết bị phòng chống sốt xuất huyết năm 2017 đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố (không thực hiện việc mua sắm tập trung); hoàn toàn chịu trách nhiệm về danh mục và số lượng hóa chất, sinh phẩm, vật tư, máy móc thiết bị phòng chống dịch và mua sắm bổ sung, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định. 

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp và chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. 

Trước tình hình dịch SXH đang ra tăng, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần  đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bài, ảnh: THÁI SƠN - MAI THANH