Bệnh SXH đang diễn biến phức tạp trên cả nước
Theo các chuyên gia, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên cả nước, trong đó có Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc, 17 người tử vong vì sốt xuất huyết. Trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương có số ca ghi nhận mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì buổi họp trực tuyến phòng, chống bệnh SXH tại điểm cầu Hà Nội.
Tại TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 6-7, số ca bệnh mắc sốt xuất huyết là 9.628, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái (8.422 ca); 17/24 quận, huyện có số ca SXH tăng so với năm 2016, trong đó quận 12 tăng đến 85%. TP Hồ Chí Minh đã có 3 trường hợp tử vong do SXH. Tại Hà Nội từ đầu năm đến nay ghi nhận 6.699 trường hợp mắc SXH, trong đó đã có 3 ca tử vong. Đặc biệt từ ngày 17 đến 23-7, toàn thành phố ghi nhận 1.389 trường hợp mắc bệnh, tập trung chủ yếu ở quận Hoàng Mai, Đống Đa... Hiện 28 bệnh viện đa khoa của Hà Nội đều có bệnh nhân SXH vào điều trị. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa có lượng bệnh nhân đông nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân dịch SXH năm nay tăng mạnh là do mùa mưa đến sớm cộng với các công trình xây dựng, nhiều khu nhà trọ, môi trường sống ô nhiễm là nguyên nhân khiến muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Đặc biệt mùa mưa là mùa của bệnh SXH. Do đó, bệnh SXH xảy ra quanh năm ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt Tây Nam Bộ. Tại miền Bắc, do biến đổi thời tiết, khí hậu nóng sớm nên số bệnh nhân bị SXH ngày càng gia tăng. “Bệnh SXH có thể phòng được và chữa được. Do đó, cần phải truyền thông mạnh hơn nữa, tới tận các xã, phường để người dân có ý thức vệ sinh tại chỗ ở, để phòng, chống loại muỗi gây bệnh sinh sản”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Trước tình hình bệnh SXH đang tăng nhanh, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tất cả các bệnh viện không được để xảy ra tình trạng quá tải, bệnh nhân nằm ghép. Các bệnh viện cũng cần phân loại bệnh nhân rõ ràng để những ca bệnh nặng được điều trị ở tuyến trên, ca nhẹ chuyển xuống tuyến dưới để theo dõi, điều trị. “Các cơ sở y tế phải hết sức chú ý lọc bệnh, phải phân tuyến kỹ thuật. Nếu để quá tải tuyến trên sẽ không thể chăm sóc được hết những ca nặng, sẽ gây nhiều hậu quả. Bộ Y tế quyết tâm không để dịch SXH lan rộng, cố gắng không để nhiều trường hợp tử vong”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Còn theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay Bộ Y tế cũng đã phân tuyến các bệnh viện trong việc điều trị cho người mắc SXH, không để xảy ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng yêu cầu các bệnh viện tăng cường nguồn nhân lực, tăng cường làm việc vào ngày cuối tuần để khám, chữa bệnh cho người mắc SXH.
Diệt muỗi là biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, SXH là bệnh gây ra do muỗi vằn Aedes truyền bệnh. Bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, xuất huyết, chảy máu cam. Ở thể nặng, bệnh gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng gan, thận, xuất huyết não và tử vong. Đặc biệt, vi-rút gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau. Nếu một người đã nhiễm với chủng vi-rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng vi-rút đó. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần trong đời.
Theo PGS, TS Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, SXH là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Dengue (D) gây nên. Có 4 type vi-rút gây bệnh (gồm D1, D2, D3, D4). Điều đáng chú ý, nếu như năm 2016, qua giám sát cho thấy, các bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn Hà Nội là do vi-rút type D1, thì năm nay đã phát hiện thêm vi-rút type D2 và D4. Do xuất hiện 3 type vi-rút nên số người mắc SXH trên địa bàn Hà Nội gia tăng mạnh, thậm chí nhiều trường hợp khi tái nhiễm, bệnh sẽ nặng hơn. Hiện việc phun thuốc diệt muỗi là phun xông hơi và chỉ có tác dụng nhất thời. Vì vậy, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tích cực vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng và phòng,chống muỗi đốt.
Bác sĩ Đỗ Duy Cường đang thăm khám cho một bệnh nhân SXH tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: MAI THANH
Còn theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), dịch SXH hiện đang rất căng thẳng trên cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân SXH đến khám, trong đó khoảng 20 bệnh nhân SXH nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Bệnh phòng cũng trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm 2-3 người/giường. Nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH tăng nhanh là do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Bên cạnh đó, tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư tăng cao với biến động di dân lớn, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng trong khi điều kiện vệ sinh kém, làm gia tăng các ổ chứa nước đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Mặt khác, người dân chưa chủ động phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi; một số nơi vẫn từ chối hợp tác với chính quyền và cán bộ y tế…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, để hạn chế dịch SXH tăng nhanh, biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt loăng quăng, lật úp các dụng cụ chứa nước, tuyên truyền cho từng người dân. Bên cạnh đó, đối với các ca đã mắc bệnh, các bác sĩ nhất định phải cứu chữa kịp thời, hạn chế tử vong, không để dịch lan rộng. Đặc biệt, các cơ sở y tế không được để xảy ra tình trạng quá tải, nằm ghép, bệnh nhân vào viện phải được tiếp đón kịp thời. Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ cở y tế cần nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch và không được chủ quan. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục cho tập huấn xử lý dịch bệnh SXH tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện cần phân tuyến và chuyển tuyến để tránh tình trạng bệnh nhân nặng thêm khi chuyển tuyến; chấm dứt tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép để lây bệnh chéo, nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện. Các cơ sở y tế cần phải tăng cường tổ chức khám, điều trị ban ngày để điều trị kịp thời, cố gắng không để tử vong xảy ra.
Hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để phòng, chống bệnh SXH, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
SXH có triệu chứng chính là sốt cấp tính và kèm theo xuất huyết. Bệnh nhân sốt kéo dài từ 2 đến 5 ngày với biểu hiện sốt cao, nhức đầu, đau nhức hố mắt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn… Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, bệnh chuyển nặng, xuất huyết nhiều có thể gây chảy máu cam, rong kinh, rong huyết, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Đây là tình trạng bệnh hết sức nặng nề. Đặc biệt là đối với bệnh nhân cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, tiểu đường, bệnh phổi mạn tĩnh… thì rất dễ trở nặng.
|
Bài và ảnh: VƯƠNG THÚY