Số ca mắc SXH tăng đột biến
Hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đang quá tải với lượng bệnh nhân SXH. Bệnh nhân SXH tăng đột biến tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận gần 4.000 trường hợp đến khám và cũng có trường hợp tử vong vì SXH. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phải chuyển công năng của hội trường để làm khu điều trị ban ngày cho bệnh nhân SXH.
Cấp cứu bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Phú Sơn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2017, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có số ca mắc đứng thứ 2 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh). Toàn thành phố đã ghi nhận hơn 13.900 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 532/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 91% số xã, phường). Hiện tại, 1.673 bệnh nhân đang phải điều trị tại các bệnh viện. Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, dịch SXH lan nhanh, xảy ra trên diện rộng là do điều kiện vệ sinh môi trường, tốc độ đô thị hóa cao. Để hỗ trợ Hà Nội phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã cấp cho thành phố 30 máy phun ULV đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố hỗ trợ Hà Nội máy phun hóa chất công suất cao để thực hiện phun hóa chất diện rộng dập dịch SXH. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Trước tình hình dịch SXH đang gia tăng trên địa bàn, Sở Y tế đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát phòng, chống dịch SXH".
Thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh SXH thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước. Tại miền Nam, cả nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng. Hơn nữa, sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống SXH tại một số địa phương chưa cao. Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã cấp hỗ trợ các địa phương 10.220 lít hóa chất diệt muỗi; 3.250 bộ trang phục phòng, chống dịch; 500 hộp hóa chất diệt ấu trùng muỗi và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng.
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ảnh: Thu Trang.
Thời gian tới, để chủ động và tăng cường công tác phòng, chống SXH, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm nội dung Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống bệnh SXH. Ngành y tế tiếp tục phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực ghi nhận nhiều ổ dịch SXH; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch; kiểm tra, xử lý các ổ đọng nước tại những công trình công cộng, công trường xây dựng; ngành giáo dục tăng cường huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các trường tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tại gia đình, ký túc xá, nhà trọ sinh viên, đặc biệt trong tháng tựu trường sắp tới. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-côn trùng Trung ương tăng cường tập huấn cho các đội phun hóa chất. Hệ thống điều trị cần tập trung cho các ca nặng, chuyển bệnh nhân nhẹ đến các bệnh viện vệ tinh để giảm quá tải và tránh để người bệnh phải nằm ghép.
Quân đội tích cực phòng, chống SXH
Theo báo cáo của Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), trước những diễn biến bất thường của dịch SXH, toàn quân đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả, không để SXH bùng phát trong các cơ quan, đơn vị; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đơn vị đứng chân làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân.
Theo Đại tá, PGS, TS Nguyễn Ngọc San, Phó viện trưởng Viện Y học dự phòng Quân đội (YHDPQĐ), thì thời điểm xuất hiện SXH, Viện YHDPQĐ thường xuyên cử các tổ công tác tới từng cơ quan, đơn vị và địa phương để giám sát dịch tễ liên quan đến lây nhiễm SXH, nhất là những nơi có nhiều bệnh nhân nhiễm SXH. Tại các bệnh viện quân đội, nhất là các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số lượng bệnh nhân mắc SXH đến khám và điều trị tăng đột biến. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân, lãnh đạo các bệnh viện đã tăng cường lực lượng, tổ chức dồn giường bệnh để thu dung, điều trị bệnh nhân. Các bệnh viện quân đội cũng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế về quy trình, phương pháp chẩn đoán, điều trị, bảo đảm việc cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân SXH hiệu quả, không để xảy ra các biến chứng nguy hiểm khi bệnh nhân đã đến viện. Cùng với đó, công tác vệ sinh phòng dịch tại bệnh viện; phòng, chống lây chéo sang cán bộ, nhân viên y tế và lây chéo sang bệnh nhân được các cơ sở y tế quân đội đặc biệt chú trọng, thực hiện hiệu quả.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, công tác tuyên truyền để bộ đội hiểu về bệnh SXH và các biện pháp phòng, chống được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị toàn quân đặc biệt quan tâm, tổ chức bằng nhiều hình thức. Ví dụ, tại Lữ đoàn 144 (Bộ Tổng tham mưu), Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội), Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 113 (Binh chủng Đặc công)… cơ bản đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đều nắm tốt các vấn đề về bệnh SXH và cách phòng, chống. Mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội là một tuyên truyền viên tới đồng đội, đồng nghiệp, tới gia đình, người thân và người dân địa phương nơi công tác, sinh hoạt trong phòng, chống SXH. Công tác phối hợp, giao ban, trao đổi thông tin giữa đơn vị và các địa phương được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ.
Theo quy định, nếu phát hiện trên các địa bàn có ổ dịch, chỉ huy đơn vị phải chỉ đạo quân y phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương tiến hành các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Đây cũng chính là biện pháp bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ từ xa, đồng thời góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
THU HƯƠNG - TIẾN ĐẠT