“Bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, rối loạn lipid máu, thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng và ung thư hiện đang ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Việt Nam từ trẻ em đến người cao tuổi”, PGS, TS Trần Thanh Dương dẫn chứng.
Ngoài ra, suy dinh dưỡng trên người trưởng thành là vấn đề rất phổ biến, đặc biệt ở các nhóm đối tượng nhạy cảm như người cao tuổi, người đang mắc các bệnh mạn tính, người đang điều trị tại bệnh viện. Trong một kết quả nghiên cứu đa trung tâm tại TP Hồ Chí Minh công bố năm 2018, tỷ lệ thiếu cân và suy dinh dưỡng của người trưởng thành trong bệnh viện nói chung là 14,0%; cao hơn gấp đôi (34,1%) với người bệnh cấp cứu; cao hơn gấp 3 với người trên 80 tuổi (49,7%), người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư (46,5%) hoặc bệnh phổi (43,6%).
 |
Bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia thăm khám cho bệnh nhân có dấu hiệu loãng xương.
|
Cùng với đó, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp cao, có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và ngày càng trẻ hóa. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2024 của Viện Dinh dưỡng được thực hiện trên 333 khách hàng độ tuổi từ 20 đến 50 đo độ loãng xương (DXA) tại phòng khám tư vấn dinh dưỡng người lớn. Kết quả cho thấy, tỷ lệ loãng xương là 4,6% nam giới và 7,7% ở nữ giới (đo DXA ở cột sống thắt lưng); tỷ lệ loãng xương là 5,7% ở nam và 6,9% ở nữ (đo DXA ở cổ xương đùi).
Về nguyên nhân của tình trạng này, theo bác sĩ Trần Châu Quyên, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng), là do chế độ ăn thiếu đa dạng thực phẩm, hạn chế vận động thể lực, thiếu canxi trong khẩu phần ăn. Đặc biệt, ở nước ta đang dấy lên vấn đề thiếu kẽm ở mức nặng, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ thiếu kẽm lên đến tới 60%. Trước thực tế đó, Viện Dinh dưỡng đã quyết định triển khai 8 dịch vụ khám tư vấn dinh dưỡng chuyên biệt cho 6 bệnh: Đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, thừa cân/béo phì, rối loạn lipid máu, suy dinh dưỡng và 2 nhóm đối tượng phụ nữ có thai và người cao tuổi.
Theo PGS, TS Trần Thanh Dương, các lĩnh vực tư vấn của Viện sẽ hướng tới việc cung cấp các giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng cá nhân. Mục tiêu của những dịch vụ dinh dưỡng chuyên biệt là không chỉ giảm bớt gánh nặng của bệnh tật mà còn cung cấp cho mọi người dân kiến thức để lựa chọn thực phẩm lành mạnh, tự lập kế hoạch xây dựng chế độ ăn một cách sáng suốt và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tin, ảnh: AN AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.