Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (8.499), Bình Dương (3.676), Đồng Nai (986), Long An (564), Tây Ninh (267), Tiền Giang (154), Kiên Giang (104), Đồng Tháp (82), Đà Nẵng (81), Bình Thuận (75), An Giang (62), Khánh Hòa (61), Hà Nội (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (39), Nghệ An (37), Quảng Ngãi (24), Phú Yên (19), Bình Định (17), Thanh Hóa (15), Cần Thơ (10), Gia Lai (10), Đắk Nông (9), Bình Phước (8), Vĩnh Long (8), Trà Vinh (5), Hà Tĩnh (5), Bến Tre (5), Cà Mau (4), Quảng Nam (3), Nam Định (2), Bạc Liêu (2), Bắc Ninh (1), Hậu Giang (1), Bắc Giang (1) trong đó có 9.275 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.708 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 2.536 ca, Bình Dương giảm 828 ca, Đồng Nai tăng 183 ca, Long An giảm 19 ca, Tây Ninh tăng 205 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 501.649 ca nhiễm, đứng thứ 53/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.103 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 497.391 ca, trong đó có 267.894 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc. Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (241.084), Bình Dương (126.408), Đồng Nai (26.314), Long An (23.785), Tiền Giang (10.290).
Về điều trị hôm nay có 11.344 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.491 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 4.122 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.295 ca; thở máy không xâm lấn là 179 ca; thở máy xâm lấn là 867 ca; ECMO là 28 ca.
Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 2-9 có 283.221 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 20.831.478 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.872.356 liều, tiêm mũi 2 là 2.959.122 liều.
338 ca tử vong do Covid-19
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 3-9, ghi nhận 338 ca tử vong: tại TP Hồ Chí Minh (250), Bình Dương (44), Cà Mau (30), Đồng Tháp (5), Hà Nội (2), Đắk Lắk (2), Tiền Giang (2), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1). Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.476 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Hà Nội lấy một triệu mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong 3 ngày
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, tập trung có trọng điểm để phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Kế hoạch nêu rõ, trước diễn biến hết sức phức tạp và khó lường của dịch bệnh Covid-19, thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bài bản, quyết liệt, khoa học và kịp thời. Tuy nhiên, tuần qua, Hà Nội vẫn ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao (60-80 ca mắc mới/ngày), đặc biệt, đã có nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây.
 |
Trong 3 ngày, Hà Nội dự kiến lấy đến 1 triệu mẫu xét nghiệm tại những nơi có nguy cơ cao. Ảnh: Suckhoedoisong.vn |
Trên cơ sở đó, UBND thành phố ban hành kế hoạch bổ sung thực hiện việc xét nghiệm trên diện rộng, nhằm bóc tách bằng sạch F0. Từ nay đến ngày 5-9, thành phố triển khai chiến dịch cao điểm xét nghiệm diện rộng có trọng điểm với số mẫu lấy dự kiến từ 800.000 đến 1.000.000 mẫu và xét nghiệm bằng 2 phương pháp: RT-PCR và test nhanh kháng nguyên.
Theo kế hoạch này, thành phố cũng phân chia đối tượng xét nghiệm theo nhóm nguy cơ: "nhóm đỏ", "nhóm da cam" và "nhóm xanh". Thành phố tập trung mọi nguồn lực ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly "nhóm đỏ", khu vực có nguy cơ "nhóm da cam"; đặc biệt là tại các quận "vùng lõi" của Thủ đô và các huyện hiện đang ở mức nguy cơ rất cao. Từ đó, trong thời gian nhanh nhất khống chế và thu hẹp "nhóm đỏ" và "nhóm da cam", bảo vệ an toàn cho "nhóm xanh" và vùng xanh.
Bộ Y tế tiếp tục phân bổ 54.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19
Ngày 3-9, Bộ Y tế cho biết, Bộ tiếp tục phân bổ 54.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho các cơ sở điều trị, nâng tổng số thuốc đã phân bổ lên hơn 227.680 lọ.
 |
Ảnh minh họa. |
Đây là lần phân bổ thứ 5 thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 của Bộ Y tế. Ở lần phân bổ này, thuốc tập trung chủ yếu cho các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Như vậy, đến nay đã có hơn 227.680 lọ thuốc Remdesivir phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế nhiều tỉnh, thành phố, nhiều cơ sở điều trị Covid-19 trên cả nước.
Từ nay đến ngày 15-9, khu vực nguy cơ cao, rất cao xét nghiệm tại nhà/hộ gia đình ít nhất 3 lần
Bộ Y tế vừa ban hành công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.
Nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách. Tiếp tục tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ để đảm bảo giá trị và tiến độ xét nghiệm.
Đến ngày 15-9, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình. Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.
Bộ Y tế kêu gọi những người đã khỏi bệnh tham gia chống dịch
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thư ngỏ tới những người đã chiến thắng biến thể Delta.
Trong thư, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn viết: "Thay mặt Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 và tất cả cán bộ, nhân viên y tế trong cả nước, tôi xin chúc mừng và cảm ơn các bạn, những người đã không từ bỏ hy vọng, dũng cảm chiến đấu, vượt qua bệnh tật để đem lại niềm vui cho gia đình, bạn bè, mang lại hạnh phúc cho đội ngũ nhân viên y tế và thắp sáng niềm tin cho sự chiến thắng đại dịch tại Thành phố mang tên Bác thân yêu của chúng ta. Với niềm hy vọng, niềm tin vào sự khống chế thành công dịch bệnh, đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi tha thiết mong đợi sự tham gia của các bạn vào công tác phòng, chống dịch của thành phố. Bất kỳ vị trí, công việc nào các bạn tham gia đều được cá nhân tôi và toàn thể nhân dân thành phố trân trọng và biết ơn…”.
18 người từng mắc Covid-19 nặng được xuất viện
Ngày 3-9, BSCKII Trần Thanh Linh, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh (do Bệnh viện Chợ Rẫy quản lý) có công suất 1.000 giường bệnh được thiết lập trên cơ sở trưng dụng một phần Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2 (Thủ Đức). Sau gần hai tháng đi vào hoạt động đã cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Trong ngày hôm nay (3-9) có 18 bệnh nhân người lớn tuổi, nhiều bệnh nền đã được điều trị khỏi, cho ra viện.
 |
Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa và BSCKII Trần Thanh Linh thăm hỏi những người khỏi bệnh được xuất viện. Ảnh: Hà Văn Đạo |
BS Trần Thanh Linh cho biết, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thuộc tuyến điều trị cao nhất, nên số bệnh nhân trên 50 tuổi có chuyển biến nặng rất nhiều. Đây là đối tượng đòi hỏi cần kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị, vừa chăm sóc nâng cao thể trạng. Một tín hiệu tích cực là số ca tử vong ngày càng giảm mạnh. Từ khi đi vào hoạt động đến nay đã có gần 2.000 bệnh nhân chuyển nhẹ và xuất viện.
Hà Nội phân bổ hơn 962.000 liều vaccine Pfizer và AstraZeneca cho các địa phương
Ngày 3-9, Sở Y tế Hà Nội có công văn về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 12 gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố; các bệnh viện trong và ngoài công lập; trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, Bộ Y tế vừa phân bổ cho Hà Nội 962.160 liều vaccine phòng Covid-19, gồm: 161.460 liều vaccine BNT162b2 (Comirnaty) của Pfizer và 800.700 liều AstraZeneca. Căn cứ trên số lượng vaccine này, Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ cho các quận, huyện, thị xã.
Sở Y tế yêu cầu, các đơn vị tuân thủ khám sàng lọc trước khi tiêm, đồng thời chuyển đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng tại bệnh viện theo phân cấp. Tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vaccine ở cùng một thời điểm, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm.
Đối với 800.700 liều AstraZeneca, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục phân bổ để tiêm cho các đối tượng còn lại tại đợt 11 thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng, gồm: Các đối tượng đến thời gian cần phải tiêm trả mũi 2; người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu: Công nhân nhà tang lễ, cắt tóc, gội đầu, công nhân vệ sinh...; người nằm trong nhóm nguy cơ, người sinh sống tại các khu vực có dịch (vùng đỏ), vùng nguy cơ cao trong khu vực vùng đỏ sau khi xét nghiệm âm tính; công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, người nước ngoài sinh sống trên địa bàn thành phố; người lao động của các đơn vị có đóng góp cho công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Đối với 80.730 liều vaccine của Pfizer chỉ thực hiện tiêm mũi 1, phân bố tiếp tục để tiêm cho các đối tượng còn lại tại đợt 11 thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng và các đối tượng theo thứ tự: Người mắc bệnh mãn tính; người trên 65 tuổi; phụ nữ đang mang thai trên 13 tuần (sau khi được giải thích nguy cơ, lợi ích, nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa).
THÁI SƠN