Về vấn đề này, bác sĩ Lê Công Thiện, Phó trưởng bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi (Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai), cho biết: Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người.

Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh này thường xảy ra ở tuổi mới lớn, cả trai lẫn gái, nên ảnh hưởng nặng nề đến nhân cách, nhận thức, thái độ với cuộc sống xã hội. Bệnh này dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời.

Qua nghiên cứu ở thanh thiếu niên mắc BPD, trẻ em bị ngược đãi về thể chất phát triển các triệu chứng BPD nhiều hơn ở tuổi 12 so với những trẻ không bị ngược đãi và đặc biệt dễ bị tổn thương nếu chúng có người thân bị rối loạn tâm thần...

Đặc điểm cơ bản của BPD là không ổn định các mối quan hệ, bốc đồng “sớm nắng, chiều mưa”, nay thích làm cái này, mai lại đổi ý. Nhưng không phải đứa trẻ nào thất thường, bướng bỉnh cũng mắc BPD. Trẻ mới lớn thường bướng bỉnh nên phụ huynh cần bình tĩnh đánh giá tình hình và tôn trọng con, cũng chưa vội đưa con đi bệnh viện, mà phụ huynh nên gặp bác sĩ trước để tư vấn tâm lý.

Người mắc BPD phải có ít nhất 5/9 tiêu chí với các triệu chứng phải bắt đầu từ giai đoạn đầu của thời kỳ trưởng thành, nhưng có thể xảy ra trong thời kỳ thanh thiếu niên. 9 tiêu chí gồm: Những nỗ lực tuyệt vọng để tránh bị bỏ rơi; những mối quan hệ căng thẳng không ổn định thay đổi giữa sự lý tưởng hóa và sự coi thường người khác; một hình ảnh không ổn định về bản thân hoặc cảm giác về bản thân; tác động trong hai tình huống có thể gây hại cho bản thân (ví dụ, ăn uống vô độ, lái xe thiếu thận trọng...); hành vi tự sát lặp đi lặp lại hoặc đe dọa hoặc tự cắt bản thân; thay đổi nhanh về tâm trạng, kéo dài thường chỉ vài giờ và hiếm khi hơn một vài ngày; cảm giác trống rỗng dai dẳng; sự tức giận dữ dội không thích hợp hoặc các vấn đề kiểm soát sự tức giận; ý tưởng hoang tưởng tạm thời hoặc các triệu chứng phân ly trầm trọng gây ra bởi căng thẳng.

Ngoài ra, các triệu chứng phải bắt đầu từ giai đoạn đầu của thời kỳ trưởng thành, nhưng có thể xảy ra trong thời kỳ thanh thiếu niên. Các phụ huynh lưu ý khi thấy con, người thân trong gia đình có 5/9 biểu hiện trên, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám, điều trị kịp thời.

Các thắc mắc về sức khỏe xin gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn, kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.