Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi - Vị thành niên (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mới đây, các bác sĩ đã điều trị cho một bệnh nhân nữ (học lớp 8, Hà Nội) có biểu hiện khoảng 3 năm nay do áp lực trong vấn đề học tập, bố mẹ thường hay mâu thuẫn khiến bệnh nhân cảm thấy căng thẳng, bức bối ức chế, khó thư giãn, giải tỏa, khó kiềm chế cảm xúc, có lúc dễ nổi nóng, cáu gắt với mọi người dù trước đó vẫn vui vẻ.

Bệnh nhân bướng bỉnh, không vâng lời người lớn, thiếu tập trung xao nhãng trong học tập nên học lực dần sa sút. Bệnh nhân thường tự gây sự vô cớ với bạn bè trên lớp, cáu gắt mắng chửi em gái. Bệnh nhân ăn ngủ thất thường, thường có cảm xúc quá khích, tự làm tổn thương bản thân bằng cách lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay, hành vi được thực hiện nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau, các vết rạch ngày càng sâu, tổn thương nhiều hơn với mục đích làm đau để giải tỏa cảm xúc.

Mẹ bệnh nhân thấy có nhiều dấu hiệu bất thường nên đã đưa bệnh nhân đến Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia để điều trị. Tại đây, bệnh nhân được xác định là rối loạn nhân cách ranh giới. Bệnh nhân sau điều trị có cảm xúc ổn định hơn, hợp tác điều trị hơn, không có hành vi bất thường.     

leftcenterrightdel

Các bác sĩ chia sẻ về ca bệnh rối loạn nhân cách ranh giới. 

Theo bác sĩ Lê Công Thiện, Phó trưởng bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người.

Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Các yếu tố môi trường đã được xác định là các điều kiện dễ dẫn đến BPD sớm bao gồm các hành vi ngược đãi trong gia đình, tâm lý của các thành viên trong gia đình và mối quan hệ xung đột giữa cha mẹ và con cái.

Người ta cho rằng sự phát triển của nhận thức và tình cảm, sự tích hợp của tư duy, cảm xúc và khả năng phân biệt các trạng thái cảm xúc bị xáo trộn bởi sang chấn sớm với các phản ứng sau sang chấn, sự phân ly và mất khả năng thể hiện cảm xúc. Những đứa trẻ bị ngược đãi có thể suy ra những đặc điểm tiêu cực của bản thân và những người khác; nghĩ rằng bản thân chúng không thể chấp nhận được và đáng bị ngược đãi. Giả định này có thể dẫn đến việc họ coi bản thân là “bất lực, không thể yêu thương hoặc yếu đuối và coi những người khác là nguy hiểm, từ chối hoặc không sẵn sàng”. Vì vậy, trẻ em bị lạm dụng có thể hình thành nhận thức tiêu cực về bản thân, người khác và mối quan hệ với người khác.

Tin, ảnh: AN AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.