 |
Cán bộ, y, bác sĩ Đoàn KT-QP 4 tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân trong Khu KT-QP Kỳ Sơn. |
Những ngày đầu năm Ất Tỵ, khi núi rừng vẫn còn chìm đắm trong màn sương với cái rét tê tái, nhưng khuôn viên Bệnh xá quân dân y kết hợp (BXQDYKH) Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 5 (Đoàn 5) đã có rất đông bà con nhân dân đến khám bệnh. Các thầy thuốc quân y trong những bộ trang phục blouse trắng nụ cười luôn nở trên môi, tận tình thăm hỏi, khám bệnh cho từng người. Sau khi được các y, bác sĩ khám và cấp thuốc đưa về nhà điều trị, chị Vi Thị Hoa ở bản Hậm, xã Quảng Chiểu, huyện Mường Lát chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi bị ốm đau bà con chúng tôi thường mời thầy mo về cúng làm vía, nhưng cúng mãi bệnh càng nặng thêm. Nghe bộ đội Đoàn 5 nói rằng, ốm đau phải ra bệnh xá Đoàn 5 để các bác sĩ chữa cho lành bệnh. Lúc đầu bà con mình không tin, nhưng một lần có người dân trong bản bị đau bụng dữ dội tưởng như không qua khỏi, được các thầy thuốc Đoàn 5 cứu sống. Từ đó đến nay, dân bản mình luôn xem Bệnh xá Đoàn 5 là ngôi nhà thứ hai mỗi khi ốm đau”.
 |
Quân y Đoàn KT-QP 92 phối hợp với Bệnh viện Quân y 268 khám bệnh cho bà con ở huyện A Lưới, thành phố Huế. |
Đại úy, Bác sĩ Phùng Minh Đức, Bệnh xá trưởng BXQDYKH Đoàn KT-QP 5 cho biết: “Thời gian qua, do thời tiết khí hậu khắc nghiệt nên lượng bệnh nhân đến khám, điều trị luôn trong tình trạng quá tải. Anh em chúng tôi luôn động viên nhau mỗi người làm việc bằng hai, tất cả vì sức khỏe nhân dân, nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công việc. Không chỉ khám, chữa bệnh tại bệnh xá mà chúng tôi còn thành lập Tổ xung kích để kịp thời vào bản cứu chữa người bệnh. Đáp lại, chúng tôi luôn được nhân dân tin yêu và xem như người thân của mình”.
Không chỉ ở BXQDYKH Đoàn KT-QP 5 mà đi đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Quân khu 4, chúng tôi đều chứng kiến niềm tin và tình cảm của bà con dân bản dành cho các thầy thuốc quân y. Ở Khu KT-QP Kỳ Sơn (Nghệ An), rất nhiều người dân xin được lấy tên các y, bác sĩ BXQDYKH Đoàn KT-QP 4 (Đoàn 4) đặt cho con mình. Bởi theo bà con, chính các y, bác sĩ là người đã sinh ra con họ lần thứ hai. Tôi nhớ có dịp lên Đoàn 4 công tác đúng vào hôm gia đình chị Lương Thị Như, ở bản Khuổi Thung, xã Na Ngoi mang lễ vật đến bệnh xá đơn vị làm lễ xin được lấy tên Y sĩ Lê Trung Tiến đặt cho con mình. Được biết, lần đó chị Nhung đang mang thai tháng thứ 7, không may trượt chân, bị động thai, băng huyết và hôn mê. Nghe tin, Bệnh xá Đoàn 4 cử Y sĩ Lê Trung Tiến cùng “Tổ cấp cứu cơ động” vào bản cấp cứu và giúp chị “vượt cạn” an toàn... Nhớ ơn các y, bác sĩ Bệnh xá Đoàn 4 và Y sĩ Lê Trung Tiến, gia đình xin phép đặt tên cháu là Lô Văn Tiến.
 |
Tổ quân y xung kích Đoàn KT-QP 5 cơ động khám bệnh cho người dân không đi lại được. |
Nhiều năm qua, BXQDYKH Đoàn KT-QP 92 luôn được các y, bác sĩ bệnh xá các xã trong vùng dự án A Lưới (Huế) gọi bằng “Anh cả ngành y nơi thung lũng A Sho”. Sở dĩ như vậy, bởi ngoài việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh…, Bệnh xá Đoàn KT-QP 92 còn tổ chức các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ thầy thuốc các bệnh xá trong vùng dự án và hỗ trợ một số đồ dùng, thiết bị y tế.
Với bà con trong Khu KT-QP Khe Sanh (Quảng Trị) luôn gọi các y, bác sĩ BXQDYKH Đoàn KT - QP 337 những “vị cứu tinh” mỗi khi ốm đau, hoạn nạn. Bởi mỗi khi ốm đau bà con đều nhận được sự hỗ trợ của cán bộ, y, bác sĩ BXQDYKH Đoàn KT-QP 337.
Đem những điều chứng kiến ở các BXQDYKH, trao đổi với Đại tá Phạm Đức Tuấn, Cục trưởng Cục Hậu cần-Kỹ thuật Quân khu 4, anh cho biết: “Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thực hiện Chương trình 12 QDYKH, những năm qua Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần-Kỹ thuật Quân khu đã tham mưu cho Bộ tư lệnh Quân khu, chỉ đạo xây dựng và phát huy hiệu quả các BXQDYKH ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Quân khu. Đến nay trên địa bàn Quân khu đã xây dựng được 5 BXQDYKH tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhằm tăng cường phối hợp với ngành y tế địa phương chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân”.
Những hành động, việc làm của các chiến sĩ quân y không chỉ góp phần chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa mà còn góp phần xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh và tình cảm quân dân “cá nước”. Các anh thực sự xứng đáng với tên gọi những “mẹ hiền” nơi biên cương Tổ quốc.
Bài và ảnh: NGỌC THĂNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.