Về vấn đề này, bác sĩ Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, mới đây các bác sĩ của Khoa đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân mắc áp xe gan do nhiễm ký sinh trùng.
Điển hình như bệnh nhân H.N.Q (20 tuổi) nhập viện với triệu chứng đau bụng âm ỉ kéo dài ở vùng hạ sườn phải. Khai thác tiền sử, bệnh nhân có sức khỏe ổn định, thỉnh thoảng có ăn rau sống nhưng không ăn gỏi cá. Đặc biệt, bệnh nhân không có thói quen tẩy giun sán định kỳ-một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến bệnh lý hiện tại.
Dù không có biểu hiện sốt, kết quả siêu âm gan cho thấy nhiều khối áp xe rải rác, trong đó có một khối lớn nhất lên tới 30mm. Xét nghiệm máu ghi nhận số lượng bạch cầu tăng cao, đặc biệt là bạch cầu ưa axít. Nghi ngờ nguyên nhân do nhiễm ký sinh trùng, bác sĩ tiến hành xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán.
Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân dương tính với ba loại ký sinh trùng: Sán lá gan lớn, sán dây chó và giun lươn. Với chẩn đoán áp xe gan do nhiễm ký sinh trùng, bệnh nhân được chỉ định phác đồ điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau hai tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và hết triệu chứng lâm sàng.
 |
Các bác sĩ phẫu thuật giải quyết triệt để cùng lúc hai bệnh chồng lấp là sỏi túi mật và áp xe gan do ký sinh trùng cho một bệnh nhân. Ảnh: Báo Tin tức |
Khai thác bệnh sử của nhiều bệnh nhân cho thấy rằng môi trường sống và thói quen sinh hoạt, ăn uống có vai trò quan trọng trong việc lây nhiễm bệnh.
Ở đây có rất nhiều yếu tố khác nhau, từ điều kiện sống, thói quen sinh hoạt và ăn uống, đến môi trường sống của con người. Các tác nhân gây bệnh cũng rất đa dạng, bao gồm vi khuẩn, ký sinh trùng và các yếu tố môi trường như độ ẩm, mưa. Mỗi yếu tố đều có tác động riêng biệt.
Áp xe gan nếu không được điều trị kịp thời, các ổ áp xe này có thể gây ra hàng loạt hậu quả nguy hiểm như: Nhiễm trùng bội nhiễm, nhiễm trùng ổ bụng nếu áp xe vỡ vào ổ bụng; nhiễm trùng huyết nếu vi khuẩn từ ổ áp xe lan vào máu; suy gan, suy đa cơ quan nếu tổn thương gan nghiêm trọng và kéo dài.
Để phòng tránh nhiễm ký sinh trùng, người dân cần chú ý đến việc ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn và đặc biệt hạn chế ăn đồ sống như rau sống, gỏi cá sống, thịt chua... Nếu có sử dụng rau sống thì phải rửa thật kỹ bằng nước sạch và rửa dưới vòi nước. Ngoài ra, việc tẩy giun sán định kỳ mỗi 6 tháng/lần là rất quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, như rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với đất. Đối với các gia đình nuôi chó, mèo, cần tẩy giun định kỳ cho vật nuôi để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735. |
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.