Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phó trưởng phòng Tâm thần Nhi và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện vừa điều trị cho một bệnh nhân 13 tuổi mắc chứng rối loạn lo âu. Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân là người ít nói và trầm tính, ít bạn bè. Hơn một năm trước, sau khi tham gia một hoạt động nhóm khá căng thẳng ở lớp, bệnh nhân luôn thấy lo lắng không lý do, ám ảnh ra ngoài đường sợ gặp chuyện không tốt, đến lớp sợ ảnh hưởng đến các bạn, rất ngại đi ra ngoài tham gia các hoạt động chung... Ở nhà, bệnh nhân thường kiểm tra lại nhiều lần xem cửa đóng chưa, hoặc cầm một đồ vật phải nhấc lên nhấc xuống nhiều lần rồi mới cầm, đi qua đường phải đi qua đi lại một mốc nào đó rồi mới yên tâm đi tiếp. Bệnh nhân khó ngủ, ăn uống kém, tiếp xúc với mọi người thiếu tự tin, thỉnh thoảng bị run tay chân, hồi hộp, việc học hành sút hơn trước... Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã dần ổn định.

leftcenterrightdel

Chứng rối loạn lo âu. (Minh họa: migrin.com.vn) 

Rối loạn lo âu ở trẻ vị thành niên (độ tuổi từ 10 đến 19) chủ yếu là lo lắng quá mức, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong cuộc sống hằng ngày. Một số triệu chứng cơ thể gặp ở trẻ rối loạn lo âu như: Đau đầu, chóng mặt, khó nuốt, lo lắng về việc mắc nghẹn, nôn hoặc buồn nôn, đau ngực, khó thở, đau dạ dày, tê và ngứa ran ở ngón tay hoặc ngón chân do thở gấp hoặc biểu hiện đau kịch tính. Trẻ bị rối loạn lo âu có những hành vi thay đổi như chống đối, rối loạn các vấn đề về ăn uống, giấc ngủ. Rối loạn lo âu tiến triển nặng có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Một số trường hợp trẻ có rối loạn lo âu nhưng tỏ ra rất bình thường. Đây là trường hợp trẻ che giấu đang bị rối loạn lo âu. Một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn lo âu chính là bệnh nhân đó có cha mẹ mắc chứng rối loạn lo âu. Ngoài ra còn có các yếu tố môi trường xã hội khác như: Phong cách nuôi dạy con cái, tình trạng ngược đãi trẻ em...

Bên cạnh việc điều trị và tư vấn cho trẻ bị rối loạn lo âu, một việc quan trọng nữa là cần tư vấn và khám cho cả cha mẹ của trẻ em đó nhằm tạo môi trường gia đình tốt để trẻ em thoải mái về tinh thần và thể chất, không bị tái phát rối loạn lo âu. Đối với trẻ bị rối loạn lo âu, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Cha mẹ cần thường xuyên lắng nghe, tham gia hoạt động cùng con, giúp con phát triển kỹ năng mới, xây dựng thói quen lành mạnh, ăn uống đủ dinh dưỡng, thời gian biểu khoa học, lối sống tích cực.

Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735. 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.