Các loại vắc xin được nghiên cứu và phát triển dựa trên cách thức mà cơ thể con người phản ứng để chống lại bệnh tật. Bình thường, khi các mầm bệnh, như virus gây bệnh Covid-19 tấn công vào cơ thể, hệ thống miễn dịch của con người sẽ sử dụng một số công cụ như bạch cầu hay các tế bào miễn dịch để chống lại lây nhiễm.

Các loại tế bào bạch cầu khác nhau chống lại lây nhiễm theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể, đại thực bào là các tế bào máu trắng hấp thụ và tiêu hóa các mầm bệnh và các tế bào đã chết hoặc sắp chết. Các đại thực bào để lại các phần của mầm bệnh xâm nhập, được gọi là "kháng nguyên". Cơ thể xác định các kháng nguyên được coi là nguy hiểm và kích thích các kháng thể tấn công chúng.

leftcenterrightdel
Vắc xin ngừa Covid-19 giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Ảnh minh họa: Bộ Y tế

Cơ thể con người có hàng ngàn loại kháng thể khác nhau. Khi cơ thể lần đầu phơi nhiễm với một kháng nguyên, hệ thống miễn dịch cần có thời gian để phản ứng và tạo ra kháng thể đặc hiệu đối với kháng nguyên đó và trong khoảng thời gian này con người dễ bị nhiễm bệnh.

Khi các kháng thể được hình thành, chúng kết hợp với phần còn lại của hệ thống miễn dịch để tiêu diệt mầm bệnh và ngăn chặn bệnh. Các kháng thể thường chỉ tác dụng với một mầm bệnh ngoại trừ khi hai tác nhân gây bệnh rất giống nhau. Khi cơ thể phản ứng với kháng nguyên, nó cũng tạo ra 1 tế bào nhớ kháng thể, tế bào này vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi mầm bệnh bị loại trừ. Khi cơ thể phơi nhiễm với cùng 1 mầm bệnh nhiều hơn 1 lần, phản ứng của kháng thể sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với lần đầu phơi nhiễm vì các tế bào nhớ đã sẵn sàng xuất ra các kháng thể chống lại kháng nguyên đó.

Điều này có nghĩa là nếu cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh nguy hiểm trong tương lai, hệ thống miễn dịch sẽ có thể đáp ứng ngay lập tức, bảo vệ chống lại bệnh tật.

Từ cơ chế này, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển các loại vắc xin chứa các thành phần bị suy yếu hoặc không hoạt động của một sinh vật cụ thể (kháng nguyên) để gây ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Thành phần này sẽ không gây bệnh cho người được tiêm vắc xin, nhưng nó sẽ thúc đẩy hệ thống miễn dịch của họ đáp ứng mạnh như phản ứng lần đầu tiên với mầm bệnh thực sự.

Các loại vắc xin khác nhau tác động theo những cách khác nhau để tạo ra khả năng bảo vệ. Nhưng với tất cả các loại vắc xin, cơ thể sẽ được cung cấp tế bào ghi nhớ cách chống lại virus trong tương lai. Vắc xin giúp hệ miễn dịch tấn công các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho hệ miễn dịch ứng phó với một số bệnh cụ thể. Từ đó, nếu virus hoặc vi khuẩn tấn công cơ thể sau này, hệ miễn dịch sẽ nhận diện được và biết cách chống lại.

Phần lớn sau khi tiêm vắc xin, quá trình tạo khả năng miễn dịch có thể gây ra các triệu chứng, như sốt. Các triệu chứng này là bình thường và là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch. Các chuyên gia y tế cho biết, kháng thể sẽ được tạo ra vài tuần sau khi tiêm vắc xin. Điều này lí giải cho một số trường hợp bị nhiễm Covid-19 sau khi tiêm vắc xin ít ngày do trong khoảng thời gian đó cơ thể chưa sinh ra kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.

LINH AN (Tổng hợp)