Cơ chế này được đồng sáng lập bởi Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tham gia với tư cách đối tác phân phối. Tại châu Mỹ, Quỹ quay vòng thuộc Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO) được công nhận là đại lý thu mua vắc xin cho COVAX.
 |
COVAX được thiết lập nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng giữa các quốc gia trên toàn cầu đối với vắc xin. (Ảnh: WHO). |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch Covid-19 đã cướp đi hàng triệu sinh mạng và làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỷ người khác trên thế giới. Vắc xin được xem là chìa khóa trong việc chấm dứt đại dịch Covid-19. Ngoài việc giảm thiểu thiệt hại về người và giúp kiểm soát đại dịch, việc sử dụng vắc xin sẽ ngăn chặn thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi tháng cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có một khoảng cách lớn trong việc tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 giữa các quốc gia trên thế giới trong thời gian qua.
Theo một thống kê mới đây được đăng trên trang Our World in Data, tỷ lệ dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19 ở các quốc gia thu nhập cao chiếm khoảng 75%, trong khi đó mới chỉ có 7,1% dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm liều đầu tiên. Ở một số quốc gia ở châu Phi, tỉ lệ dân số được tiêm chủng ít nhất 1 liều chiếm chưa đến 1% dân số.
Với quan điểm, trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, không ai an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn, các tổ chức đã quyết định thiết lập COVAX nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng giữa các quốc gia trên toàn cầu đối với vắc xin, từ đó sớm kiểm soát được dịch bệnh.
COVAX tập hợp các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới để hợp tác nghiên cứu và phát triển các loại vắc xin ngừa Covid-19, thúc đẩy việc sản xuất, mua sắm và phân phối vắc xin sau khi được phê duyệt nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin một cách công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia trên thế giới. Để tài trợ cho nguồn cung ứng vắc xin, COVAX huy động tài trợ từ các nguồn quỹ công và quỹ tư nhân.
Theo Dự báo nguồn cung mới nhất, COVAX đã điều chỉnh mục tiêu hoàn thành việc mua và phân bổ công bằng 2 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2021 sang quý I năm 2022 vì lý do thiếu hụt về nguồn cung vắc xin trong năm nay.
Nỗ lực này của COVAX nhằm đảm bảo 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không đủ khả năng mua vắc xin Covid-19 được tiếp cận bình đẳng với vắc xin trong tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, COVAX cũng hỗ trợ việc mua vắc xin cho hơn 97 quốc gia có thu nhập trên trung bình và thu nhập cao.
LINH AN