Là Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19 từ tháng 8 đến cuối tháng 10 vừa qua nên bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Phương án số 276/PA-UBND ngày 2-12-2021 về cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Đoàn y, bác sĩ quân y Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác trước khi lên đường chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Chiển.

Phương án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm Covid-19 được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất với dịch vụ y tế, chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như vật chất cho người bệnh; nâng cao nhận thức, ý thức, thái độ và trách nhiệm của người dân về phòng, chống dịch Covid-19 đối với xã hội; người nhiễm Covid-19 (F0) được cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.

Đối tượng quản lý tại nhà là người nhiễm Covid-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.

 Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn đến gia đình có ca F0 ở TP Hồ Chí Minh để hướng dẫn cách sử dụng thuốc.

Tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.468 ca F0, trong đó có khoảng 40% là ca mắc tại cộng đồng. Đây cũng là tuần ghi nhận số ca mắc tăng cao kỷ lục, dao động từ 400-600 ca/ngày. Riêng ngày 4-12 ghi nhận nhiều ca mắc nhất lên tới 628 ca.

Trước tình hình trên, theo bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phương án số 276/PA-UBND điều trị cho F0 tại nhà và tại phường là phù hợp trong tình hình dịch bệnh hiện nay ở Thủ đô. Hiện tại ở Hà Nội mặc dù số ca F0 vẫn tăng cao nhưng độ bao phủ vắc xin tương đối tốt nên tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã giảm. Ngày 30-11 tổng số ca nhiễm là 10.250, tử vong 43 ca (tỷ lệ 0,42%); ngày 4-12 tổng số ca nhiễm là 12.377, tử vong 47 (tỷ lệ 0,38%).

Ngoài các biện pháp điều trị như trên thì các bệnh viện cần sớm triển khai khu điều trị Covid-19 để chung sống lâu dài với dịch bệnh. Trong trường hợp có ca nào trong viện dương tính thì giải pháp tốt nhất là cho xuống khu riêng biệt để điều trị. Không thể chỉ vì có ca F0 trong bệnh viện mà phong tỏa toàn bệnh viện thì rất khó khăn cho việc khám, chữa trị cho bệnh nhân bị các loại bệnh khác”, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn cho biết.

Từng phải hằng ngày tiếp xúc, điều trị cho nhiều F0 ở TP Hồ Chí Minh, theo bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, các cơ quan chức năng, cơ sở y tế, bệnh viện cần quan tâm tập trung vào số ca nhiễm nặng, cần thở máy. Hơn nữa, phải thống kê được tổng số máy thở có thể có, dự báo số ca nặng để chủ động đáp ứng máy thở kịp thời. Cố gắng cứu được nhiều ca nặng nhất có thể.

Ngoài ra, phải sớm nhất cho F0 được tiếp cận y tế, cần đưa thuốc kháng virus về điều trị ngay từ đầu tại các trạm y tế lưu động, tại nhà, tại phường để hạn chế tối đa bệnh nhân bị chuyển biến nặng. Có như vậy thì dịch bệnh mới được kiểm soát và đẩy lùi.

KHÁNH HUYỀN