Rút ngắn khoảng cách chuyên môn

Trong những năm qua, nhân dân trên địa bàn Thủ đô được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; tốc độ phát triển dân số được kiểm soát; chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan đến y tế được quan tâm, đầu tư và đã phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội. Chủ tịch Công đoàn ngành y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm cho biết, hiện nay ngành y tế Hà Nội đang quản lý 42 bệnh viện, trong đó có 8 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hạng 1; 22 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hạng 2 và 12 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 8 đơn vị quản lý nhà nước và trung tâm chuyên khoa với tổng số 27.155 người. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp đáng kể vào thành tựu chung và là niềm tự hào của ngành y tế Thủ đô. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân là các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

leftcenterrightdel
Hướng dẫn người dân đăng ký khám, chữa bệnh tự động tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: DUY TUÂN 

Cũng nhờ có lực lượng y, bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao nên trong năm 2023, số lượt khám bệnh, chữa bệnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều kỹ thuật mới đã được các bệnh viện triển khai như: Kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đức Giang; kỹ thuật nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu song thai bằng laser tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da; kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh, trẻ sơ sinh thấp cân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Một số bệnh viện hạng 1 đã làm chủ kỹ thuật ghép thận, hướng tới kỹ thuật ghép gan.

Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà chia sẻ: Năm 2023, ngành y tế Hà Nội đã triển khai thành công mô hình “Bệnh viện chị-em”. Bước đầu được thí điểm giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì và đã nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố. Qua mô hình này, bệnh nhân được “chuyển tuyến ảo" và bác sĩ được "đi buồng điện tử" đã thật sự rút dần khoảng cách chuyên môn, khoảng cách địa lý giữa bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở và quan trọng hơn cả là người dân được các bác sĩ giỏi tuyến Trung ương, tuyến thành phố điều trị ngay tại địa phương mình, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm quá tải cho tuyến trên.

Đẩy mạnh chuyển đổi số 

Những năm qua, lãnh đạo ngành y tế Hà Nội đã thể hiện rất rõ vai trò điều tiết hoạt động chuyên môn và gắn kết nhịp nhàng giữa các tuyến khám, bệnh chữa bệnh để người dân được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, ngành y tế Thủ đô đã phát huy tốt vai trò, vị thế, uy tín và có những đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của Thủ đô; không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của nền y học trong nước và thế giới, góp phần giải quyết tốt những vấn đề toàn cầu về sức khỏe con người.

Trong năm 2023, cuộc “cách mạng” lớn nhất của ngành y tế Thủ đô là chuyển đổi số. Tổ công tác Đề án 06/Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế đã tin tưởng, quyết định lựa chọn Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe toàn dân trên địa bàn. Hiện nay, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử đã tích hợp và lập được thông tin hành chính của hơn 7,7 triệu người dân. Trong thời gian tới, thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành toàn bộ nội dung lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử; kết nối, làm giàu dữ liệu để mỗi người dân Thủ đô đều được theo dõi sức khỏe thường xuyên và liên tục.

Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ mở rộng triển khai bệnh án điện tử đến toàn bộ các cơ sở y tế, từ đó kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố. “Chúng tôi cũng khẳng định sự quyết tâm của ngành y tế Thủ đô trong công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính không chỉ là sự phấn đấu thi đua để đạt thành tích, để được khen thưởng, mà việc thực hiện chuyển đổi số và cải cách hành chính là những vấn đề sống còn, cần phải đi vào thực chất, mang lại những giá trị thiết thực. Mục tiêu cuối cùng là người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế nhanh nhất, chất lượng nhất. Phần thưởng lớn nhất, quan trọng nhất đối với chúng tôi chính là sự hài lòng, là niềm tin của người dân trong xã hội đối với ngành y tế”, bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định.

Có thể nói, mỗi cán bộ y tế Thủ đô là những tấm gương sáng về sự nỗ lực phấn đấu rèn luyện vươn lên, hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Sự nỗ lực đó không chỉ giúp người dân gìn giữ, nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật mà còn để lại trong lòng họ tình cảm ấm áp và những kỷ niệm không quên đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế-những người luôn thấm nhuần và thực hiện tốt lời Bác Hồ kính yêu căn dặn “Lương y phải như từ mẫu”.

HÀ VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.