Hơn 8 triệu người tử vong hằng năm do thuốc lá, trong đó 7 triệu người do trực tiếp sử dụng thuốc lá; 1,2 triệu người không hút thuốc tử vong do hút thuốc thụ động. 1,4 nghìn tỷ USD chi phí hằng năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe và giảm năng suất lao động do thuốc lá gây ra. 226 triệu người trưởng thành sử dụng thuốc lá sống trong đói nghèo trên toàn thế giới. Hơn 10% thu nhập của hộ gia đình chi tiêu cho sản phẩm thuốc lá-đồng nghĩa với việc giảm chi phí cho thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

leftcenterrightdel
Tăng mức thuế đối với thuốc lá để giảm tiêu dùng.

Theo Ths. Nguyễn Thị Thu Hương-Quỹ phòng, chống tác tại của thuốc lá (Bộ Y tế), 80% người hút thuốc trên thế giới sống ở nước thu nhập thấp và trung bình. Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành cao đứng thứ 3, sau Indonesia và Lào.   

Việt Nam là quốc gia áp dụng mức thuế thuốc lá hiện nay (38,8%) thấp so với hầu hết các nước trong khu vực ASEAN và thấp hơn rất nhiều so với khuyến nghị của WHO (75%). Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% (2020), thấp hơn so với hầu hết các nước ASEAN, ví dụ như: Thái Lan 78,6%, Singapore 67,5%, Indonesia 63,5%.  Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nên PCTH của thuốc lá là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả, cùng với sự can thiệp phù hợp đối với những sản phẩm thuốc lá mới và cấm hoàn toàn các chiêu thức quảng cáo, khuyến mại của ngành công nghiệp thuốc lá... với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng sản phẩm này. Ví dụ như ở Thái Lan, trong hơn 2 thập kỷ qua, mỗi năm tỷ lệ hút thuốc của Thái Lan chỉ giảm được khoảng 0,5% (từ 32% năm 1991 xuống còn 19,9% năm 2015). Philippines giảm tỉ lệ hút thuốc ở nam giới từ 42% năm 2008 xuống 40,3% năm 2015.

Hiện Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… Để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hương đề xuất ủng hộ tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, truyền thông rộng rãi đến người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Quảng cáo; Luật Thương mại đã quy định rõ cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức.

Bài, ảnh: NGUYỄN MAI ANH