Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Bệnh ung thư là gánh nặng bệnh tật rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn lực lao động xã hội và sự phát triển kinh tế đất nước. Mặc dù rất nhiều nỗ lực về chủ trương, chính sách và nghiên cứu phòng, chống ung thư đã được thực thi, các kết quả về dự phòng, phát hiện sớm, điều trị không ngừng được cải thiện, nhưng việc phòng, chống căn bệnh này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặt ra cho ngành ung thư nói riêng, ngành y tế nói chung những yêu cầu và nhiệm vụ nặng nề. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), ở Việt Nam, hằng năm có khoảng 182.600 người mắc mới bệnh ung thư, khoảng 122.700 người tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Phần lớn người bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

leftcenterrightdel
Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K.Ảnh: HÀ TRẦN 

Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư-Ngày mai tươi sáng, chia sẻ: “Bệnh ung thư là một trong những bệnh không lây nhiễm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế-xã hội, do vậy việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư không những có ý nghĩa cho chính bệnh nhân mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế-xã hội”. Những năm gần đây, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh ung thư đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nên ý thức tầm soát bệnh của người dân cũng tăng lên. Thống kê tại Bệnh viện K cho thấy, trước đây chỉ có khoảng 30% người bệnh ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn sớm thì đến nay, tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm đã hơn 75%. Cùng với ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên thì công nghệ chẩn đoán, sàng lọc ung thư cũng ngày càng hiện đại. 5 năm trở lại đây, kỹ thuật xét nghiệm gene sàng lọc ung thư đã được triển khai tại một số bệnh viện ở Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Gene Solutions Lab (đơn vị chuyên sử dụng công nghệ gene để tầm soát ung thư) chia sẻ: “Xét nghiệm ứng dụng kỹ thuật công nghệ giải trình gene thế hệ mới SPOT-MAS để phân tích và phát hiện tín hiệu DNA từ tế bào ung thư phóng thích vào máu. Từ đó giúp tầm soát và phát hiện sớm được nguồn gốc vị trí khối u trong phạm vi 5 loại ung thư phổ biến nhất (phổi, dạ dày, gan, vú, đại trực tràng) với độ đặc hiệu lên tới 95,9%. Những người trên 40 tuổi có thể thực hiện phương pháp này nếu muốn tìm thêm các yếu tố nguy cơ chuyên sâu". Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, kết quả xét nghiệm gene chỉ là dữ liệu bổ trợ, không thay thế các phương pháp sàng lọc truyền thống.

Theo ông Nguyễn Bá Tĩnh, hiện nay trên thị trường nhiều đơn vị quảng cáo chỉ xét nghiệm máu để tìm ung thư. Rất nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện K khám với tâm trạng hoang mang, sợ hãi khi xét nghiệm máu bị chẩn đoán ung thư. “Muốn biết bị ung thư hay không chỉ có kết quả giải phẫu bệnh mới khẳng định được. Thậm chí, tại phòng mổ có sinh thiết tức thì nhưng vẫn không phải là chẩn đoán cuối cùng mà phải do các bác sĩ giải phẫu bệnh mới kết luận chính xác. Vì vậy, người dân nên thận trọng trong việc xét nghiệm máu sàng lọc ung thư”, ông Nguyễn Bá Tĩnh khuyến cáo.

 DIỆP CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.