Là bệnh viện tuyến cuối của Quân đội tại phía Nam, Bệnh viện Quân y 175 đã bố trí 17 bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng liên quan, chia thành 3 kíp ở ba khu vực khác nhau trong khu vực tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các kíp hỗ trợ nhau, sẵn sàng xử lý các tình huống cấp cứu, sự cố. Theo đó, kíp đầu tiên túc trực tại 12 lều y tế, bảo đảm y tế cho các cán bộ, chiến sĩ và người tham gia diễu binh, diễu hành. Kíp thứ hai túc trực bên xe cứu thương dã chiến được trang bị đầy đủ như một phòng cấp cứu thu nhỏ với các trang bị cần thiết. Kíp thứ 3 trực tại trạm y tế dã chiến ở Viện Vật lý Y sinh học, gần khu vực khán đài. Trạm bố trí 15 giường bệnh, làm nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại và sàng lọc bệnh nhân ngay tại chỗ. Trường hợp nặng sẽ được chuyển sang khu vực hồi sức cấp cứu chuyên sâu để theo dõi.

Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 thăm khám bộ đội tham gia thực hiện nhiệm vụ cho lễ kỷ niệm. 

Cùng với đó, từ nhiều ngày qua, các tổ quân y của Bệnh viện Quân y 175 đã đồng hành cùng lực lượng luyện tập, túc trực tại các điểm tập kết, khu vực luyện tập, bảo đảm theo dõi sức khỏe, hỗ trợ sơ cấp cứu, chuẩn bị cơ số thuốc và trang thiết bị y tế đến sẵn sàng ứng phó mọi tình huống khẩn cấp. Theo Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II Vũ Đình Ân, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175, mỗi cán bộ y tế, mỗi ca trực đều trong trạng thái sẵn sàng cao nhất, bảo đảm kịp thời chăm sóc sức khỏe cho các đại biểu, chiến sĩ và nhân dân.

Đại úy QNCN Nguyễn Đình Đảm, đã từng tham gia bệnh viện dã chiến cấp 2 trong lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, là một trong những nhân sự đầu tiên được điều động tham gia bảo đảm quân y cho nhiệm vụ này. Anh trực tại khu cấp cứu dã chiến, đảm nhiệm xử lý các trường hợp say nắng, bệnh lý nhẹ, hỗ trợ tổ phân loại khi xảy ra tình huống khẩn cấp.  “Yêu cầu cao nhất với chúng tôi là thành thạo chuyên môn và xử lý nhanh, hiệu quả các tình huống cấp cứu. Để đáp ứng nhiệm vụ, đội ngũ đã tham gia nhiều buổi diễn tập giả định, tập huấn kỹ về sơ cấp cứu cơ bản, nâng cao và xử lý chấn thương", anh Đảm chia sẻ.

 Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra tại xe cứu thương dã chiến của Bệnh viện Quân y 175.

Cũng từng tham gia bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan, Đại úy QNCN Ngô Thị Hải Linh đã quen với môi trường làm việc cường độ cao. Trong nhiệm vụ lần này, chị trực tại khu cấp cứu dã chiến, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý các trường hợp khẩn cấp tại chỗ. “Được góp một phần nhỏ hỗ trợ sự kiện trọng đại của đất nước,  tôi rất tự hào. Đây là một trải nghiệm, một nhiệm vụ đặc biệt trong nghề”, Hải Linh chia sẻ.

Cùng với Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Thống Nhất cũng triển khai 4 tổ y tế ngoại viện, đảm nhiệm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp tham dự chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bệnh viện chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, giường bệnh, vật tư và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác điều trị. Ngoài ra, bệnh viện đã thành lập 3 tổ cấp cứu thảm họa và 2 tổ phản ứng nhanh luôn trong trạng thái sẵn sàng túc trực, bảo đảm khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng chuẩn bị thiết bị y tế, thuốc và giường bệnh, nguồn máu, 2 đội xe cứu thương dự phòng đáp ứng công tác y tế nếu có sự cố xảy ra. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị một số khu vực với 15-20 giường bệnh để bảo đảm công tác cấp cứu cho người dân, chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành.

 Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật kiểm tra hoạt động trạm y tế dã chiến của Bệnh viện Quân y 175.

Nhằm bảo đảm tốt nhất cho buổi lễ kỷ niệm, ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế phối hợp với lực lượng y tế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của các đại biểu, đoàn diễu binh, diễu hành, du khách và nhân dân tham gia các sự kiện, hoạt động. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, trung tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị bố trí lực lượng và sẵn sàng phương án cấp cứu chặt chẽ theo 3 vùng (khu vực khán đài, vùng đệm, dự phòng), thiết kế luồng di chuyển cấp cứu phù hợp với điều kiện thực tế của từng bệnh viện và hệ thống giao thông hiện hành, bảo đảm đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất được nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

Cùng với đó, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng được yêu cầu phân công, bố trí lực lượng tham gia thường trực các tổ y tế tại điểm diễu binh, diễu hành theo sơ đồ phân bổ; đồng thời, phân công nhân viên y tế ứng trực cho những tình huống khi được yêu cầu tăng cường lực lượng.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG-TRẦN TUYẾT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.