Vắc xin phòng Covid-19 thứ bảy được WHO công nhận

Theo thông báo của WHO, cơ quan này đưa Covaxin do Brahat Biotech (Ấn Độ) phát triển vào danh sách các loại vắc xin phòng Covid-19 được sử dụng khẩn cấp (EUL) được WHO công nhận. Đây là loại vắc xin phòng Covid-19 thứ bảy được WHO công nhận.

Quy trình xét duyệt EUL của WHO dựa trên việc xem xét dữ liệu về chất lượng, an toàn, hiệu quả, kế hoạch quản lý rủi ro và tính phù hợp theo chương trình.

Khi Covaxin được vào danh sách EUL, đơn vị phát triển Brahat Biotech có thể làm theo hướng dẫn quản lý của WHO và phân phối Covaxin tới nhiều quốc gia trên thế giới. Hàng triệu người dân Ấn Độ sau khi được tiêm vắc xin này đã không còn bị ràng buộc bởi các hạn chế đi lại nội địa.

Covaxin là vắc xin phòng Covid-19 thứ bảy được WHO công nhận. Ảnh: bharatbiotech.com.

WHO cho biết Covaxin mang lại lợi ích vượt trội so với nguy cơ rủi ro. Chế phẩm này cũng đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của WHO về khả năng ngăn ngừa Covid-19, theo CNBC.

Nhóm Cố vấn Chiến lược của WHO về Tiêm chủng (SAGE) cũng cho biết Covaxin được phê duyệt sử dụng cho tất cả các nhóm tuổi từ 18 trở lên, với hai liều cách nhau 4 tuần. Tuy nhiên hiện tổ chức này chưa có khuyến cáo về việc sử dụng vaccine này cho trẻ em, cũng như chưa có dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả với phụ nữ có thai.

Việc WHO đưa Covaxin vào danh sách sử dụng khẩn cấp đồng nghĩa là vắc xin sản xuất tại Ấn Độ này sẽ được công nhận bởi các quốc gia khác và những người Ấn Độ đã tiêm Covaxin có thể không cần phải cách ly hoặc bị hạn chế khi ra nước ngoài.

Vắc xin Covaxin có gì mới?

Covaxin là vắc xin được phát triển bằng công nghệ nền tảng có nguồn gốc từ tế bào vero bất hoạt. Vắc-xin bất hoạt là vắc-xin bao gồm các hạt virus, vi khuẩn hoặc mầm bệnh khác đã được nuôi cấy và sau đó mất khả năng tạo ra bệnh.

Vắc xin Covaxin được chứng minh rằng có thể vô hiệu hóa các biến thể B.1.1.7 (Alpha) (biến thể xuất hiện lần đầu tại Anh), P.1- B.1.1.28 (Gamma) & P.2 - B.1.1.28 (Zeta) (biến thể xuất hiện lần đầu tại Brazil), B.1.617 (Kappa) và  B.1.351 & B.1.617.2 (Beta & Delta) - biến thể xuất hiện tại Ấn Độ.

Cùng với vắc xin Covishield do Viện Huyết thanh Ấn Độ phát triển, Covaxin là trụ cột chính trong chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 của Ấn Độ. Cho đến nay, có hơn 1,2 tỉ liều của hai vắc xin này đã được tiêm. Theo công bố của nhà sản xuất Bharat Biotech và WHO, Covaxin đã chứng minh hiệu quả 77,8% ngăn ngừa mắc Covid-19 có triệu chứng và 65,2% bảo vệ chống lại biến thể Delta.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bharat Biotech, ông Krishna Ella cho biết, vắc xin Covaxin được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các chuỗi phân phối toàn cầu (trong đó nhu cầu đối với Covaxin lớn hơn ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình).

Vắc xin này có thể được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, giảm tỷ lệ lãng phí vắc xin sau khi mở nắp, qua đó giúp tiết kiệm chi phí cho bên mua.

Bharat Biotech, nhà sản xuất Covaxin ngày 3-11 cho biết Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương (CDSCO) Ấn Độ đã chấp thuận việc gia hạn thời hạn sử dụng của Covaxin lên đến 12 tháng kể từ ngày sản xuất.

Việc Covaxin được WHO phê duyệt có khả năng mở đường cho cam kết của Ấn Độ về cung cấp vắc xin phòng Covid-19 cho COVAX - nỗ lực do WHO đồng chủ trì nhằm cung cấp vắc xin cho các nước nghèo trên toàn cầu.

Hiện nay, nhiều quốc gia như Guyana, Iran, Mauritius, Mexico, Nepal, Paraguay, Philippines, Zimbabwe, Australia, Oman, Sri Lanka, Estonia, Hy Lạp đã phê duyệt Covaxin, trong khi nhiều nước khác vẫn chờ quyết định của WHO.

LÊ ANH