Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tại sao chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay lại là "Việt Nam cam kết đầu tư hành động để chấm dứt bệnh lao"?
TS, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc Ưu tú Đinh Văn Lượng: Chủ đề phòng chống lao năm nay là chủ đề chung của thế giới và cũng là chủ đề của Việt Nam, đó là "Việt Nam cam kết đầu tư hành động để chấm dứt bệnh lao". Có thể nói rằng chương trình kiểm soát lao ở Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 12 trên toàn cầu về số ca bệnh lao và thứ 10 về tình trạng lao kháng thuốc. Theo ước tính của WHO, hiện Việt Nam có khoảng 182.000 ca lao trong cộng đồng, một con số rất lớn. Lao kháng thuốc ước tính khoảng 9.900 ca, đây là một tình trạng đáng lo ngại và là một khó khăn lớn.
Cùng với đó, nguồn đầu tư tài chính cho công tác kiểm soát lao, bao gồm cả nhân lực và tài chính. Hiện nay, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức toàn cầu, đang giảm dần và có thể sẽ chấm dứt. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường sự chủ động, sáng tạo và tích cực hơn nữa trong công tác kiểm soát lao, lấy chương trình kiểm soát lao quốc gia làm nòng cốt.
 |
TS, bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc Ưu tú Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia. |
PV: Với chủ đề này, Việt Nam cần tập trung vào những vấn đề gì để ngăn chặn bệnh lao, thưa ông?
TS, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc Ưu tú Đinh Văn Lượng: Năm nay, với chủ đề "Việt Nam cam kết đầu tư hành động để chấm dứt bệnh lao", chúng ta tập trung vào việc kiểm soát lao gắn với các cơ sở khám chữa bệnh. Đây là một nội dung rất quan trọng cần được phát động và thực hiện một cách thực chất. Chúng tôi đã báo cáo và đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế về việc kiểm soát lao cần gắn với các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh và thầy thuốc hành nghề phải có chứng chỉ về khám, chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Đây là một việc làm cần thiết và phải được thực hiện nghiêm túc. Chúng ta cần gắn công tác này với việc đào tạo, cấp chứng chỉ cho các thầy thuốc, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện. Tất cả người bệnh được sàng lọc chủ động, khi đến khám tại các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện, đều phải được khám sàng lọc và phát hiện lao. Trong quá trình khám, các thầy thuốc phải có chứng chỉ hành nghề và kiến thức chuyên môn về kiểm soát lao. Đối với cán bộ, viên chức nhà nước, người lao động trong các khu công nghiệp, việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm cần bao gồm nội dung sàng lọc lao.
Đối với những người dân không thuộc các đối tượng trên, không có bảo hiểm y tế, các cơ sở y tế tuyến cơ sở cần chủ động tiếp cận, khám sàng lọc các bệnh, trong đó có bệnh lao. Về lâu dài, việc kiểm soát sức khỏe của người dân sẽ được thực hiện thông qua hồ sơ bệnh án điện tử.
Đây là những nhiệm vụ chúng ta cần triển khai. Dù còn nhiều khó khăn, tôi tin rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và toàn hệ thống y tế, cùng với chương trình kiểm soát lao quốc gia đóng vai trò trung tâm, chúng ta có thể sớm chấm dứt bệnh lao. Mục tiêu toàn cầu là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, và tôi hy vọng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này sớm hơn.
 |
Khám, điều trị bệnh nhân mắc bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
|
PV: Hiện có khoảng còn khoảng 40% người bệnh lao ở cộng đồng chưa được phát hiện. Như vậy Việt Nam có kiểm soát được bệnh lao theo kế hoạch đề ra không, thưa ông?
TS, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc Ưu tú Đinh Văn Lượng: Hiện nay Việt Nam mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao tại cộng đồng, nếu số người mắc lao trong cộng đồng không được kiểm soát, các năm tiếp theo sẽ rất khó khăn cho công tác phòng chống lao. Chính vì số lượng người mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn lớn, nên việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng. Tôi hy vọng, năm 2025 với việc triển khai mạnh mẽ Công điện số 25/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng chống lao của Thủ tướng cùng với kiểm soát lao tại các cơ sở khám chữa bệnh số ca lao được phát hiện sẽ tăng lên. Từ đó kiểm soát lao ở Việt Nam mới thành công và bệnh lao sẽ chấm dứt sớm. Quyết tâm biến ước mơ thành cam kết, biến cam kết thành hành động cụ thể, chuyển hành động thành kết quả, có lợi cho người bệnh lao. Quyết tâm này thể hiện những nỗ lực toàn diện, hành động ở mức cao nhất vì mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
HÀ VŨ (ghi)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.