Một trong những trụ cột của hệ thống y tế
Đội ngũ điều dưỡng luôn có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định, công tác chăm sóc người bệnh của điều dưỡng là một trong những trụ cột của hệ thống y tế.
IND được tổ chức nhằm tưởng nhớ Florence Nightingale, người đặt nền móng ngành điều dưỡng hiện đại. Kể từ năm 1965, IND đã trở thành ngày hội nghề nghiệp toàn cầu, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hệ thống y tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như bệnh dịch, già hóa dân số và khủng hoảng nhân lực. Chủ đề IND năm 2025 do Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) công bố là: “Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hãy quan tâm đến điều dưỡng để đẩy mạnh nền kinh tế” (Our Nurses. Our Future. The Economic Power of Care). Thông điệp này nhấn mạnh vai trò chiến lược của đội ngũ điều dưỡng trong thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế và xã hội.
 |
Điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
ICN khẳng định, đầu tư vào điều dưỡng không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy công bằng xã hội. ICN đồng thời kêu gọi các quốc gia hành động cụ thể trên 5 lĩnh vực trọng tâm: Đầu tư toàn diện, chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần cho điều dưỡng, cải thiện môi trường làm việc, mở rộng cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và nâng cao tiếng nói của điều dưỡng trong quá trình hoạch định chính sách y tế.
Nâng cao vị thế nghề điều dưỡng
Tại Việt Nam, IND đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một ngày kỷ niệm. Kể từ năm 2018, Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức đồng bộ các hoạt động hưởng ứng IND trên toàn quốc, từng bước đưa việc tôn vinh điều dưỡng gắn liền với cải cách thể chế và phát triển chính sách. Đặc biệt, năm 2020 (Năm Quốc tế Điều dưỡng và Hộ sinh) đã đánh dấu bước ngoặt khi Việt Nam chính thức tham gia chiến dịch toàn cầu Nursing Now do WHO phát động. Từ đó, IND ngày càng gắn với tiến trình chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và phát triển bền vững nghề điều dưỡng - lực lượng then chốt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.
 |
Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: TRẦN ANH
|
Đồng chí Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, hàng loạt văn bản pháp lý quan trọng được ban hành thời gian qua đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển chuyên sâu và chuyên nghiệp nghề điều dưỡng tại Việt Nam từ Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định 96/2023/NĐ-CP; Thông tư 31/2021/TT-BYT, đặc biệt Thông tư 32/2023/TT-BYT, lần đầu tiên quy định rõ phạm vi hành nghề và danh mục 1.251 kỹ thuật chuyên môn cho điều dưỡng; những kỹ thuật trước đây chỉ do bác sĩ thực hiện thì nay được hợp pháp hóa để phù hợp với năng lực và trình độ đào tạo của điều dưỡng; phân định rõ phạm vi hành nghề theo trình độ (trung cấp đến sau đại học), bảo đảm an toàn người bệnh và thúc đẩy điều dưỡng phát triển theo hướng chuyên sâu, chuẩn hóa đào tạo và hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế nghề điều dưỡng, mở rộng phạm vi hoạt động và thúc đẩy hiện đại hóa y tế theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp, nhân văn.
 |
Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tận tình hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc bé đúng cách. Ảnh: TRẦN ANH |
Đồng chí Vương Ánh Dương cũng nhấn mạnh, vụ việc điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị hành hung khi đang làm việc là một sự việc đau lòng của đội ngũ điều dưỡng. Đội ngũ điều dưỡng các cấp cần được kiện toàn tổ chức từ cấp Trung ương, sở y tế đến các bệnh viện. Đội ngũ điều dưỡng cần được tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn, được cải thiện và đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
“Một hệ thống y tế hiệu quả, công bằng và nhân văn chỉ có thể được xây dựng vững chắc khi điều dưỡng được đặt ở vị trí trung tâm, được đầu tư đúng mức và tạo điều kiện phát huy toàn diện năng lực của mình”, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh khẳng định.
Ngày Quốc tế Điều dưỡng tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở sự tri ân, mà đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới chính sách và nâng cao vai trò, vị thế của điều dưỡng trong hệ thống y tế hiện đại. Tôn vinh là điểm khởi đầu, nhưng để tạo ra chuyển biến thực chất, cần có các chính sách đổi mới thiết thực, đầu tư hiệu quả vào đào tạo, phát triển nguồn lực và cải thiện điều kiện hành nghề cho điều dưỡng.
Một hệ thống y tế hiệu quả, công bằng và nhân văn chỉ có thể được xây dựng vững chắc khi điều dưỡng được đặt ở vị trí trung tâm, được đầu tư đúng mức và tạo điều kiện phát huy toàn diện năng lực của mình.
THU HƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.