Những vất vả, hiểm nguy mà lực lượng y, bác sĩ đã và đang phải đối mặt có được đền đáp xứng đáng? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chia sẻ với báo chí: “Sự hy sinh của các "chiến sĩ áo trắng" trên tuyến đầu chống dịch dù nói bao nhiêu cũng không đủ”.
 |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. |
Phóng viên (PV): Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có những chính sách hỗ trợ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần tới lực lượng tuyến đầu tham gia PCD Covid-19, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Về phía Bộ Y tế đã có những giải pháp gì để khắc phục bất cập trong chế độ đãi ngộ cán bộ y tế tham gia PCD, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề từ 40 đến 70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Tôi nghĩ đây là điều mà các cán bộ, nhân viên y tế mong muốn đón nhận.
Để kịp thời động viên cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia công tác PCD, vừa qua, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một loạt văn bản hỗ trợ nhân viên y tế. Bộ Y tế cũng đã có tờ trình về giải pháp đối với chính sách nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản. Khi dịch xảy ra, không chỉ nhân viên y tế ở các trạm y tế mà nhân y tế của các thôn, bản, cô đỡ thôn, bản cũng cần có chế độ đãi ngộ. Bộ cũng đã trình Chính phủ xem xét, ban hành một số chế độ, chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đây cũng là thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đó là phải có chính sách đủ mạnh, khuyến khích trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và trong lĩnh vực y tế dự phòng.
PV: Những đòi hỏi kiểm soát dịch Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong đặc điểm công việc của ngành y tế ở tất cả các tuyến. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về những thay đổi lớn này?
 |
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trong một lần kiểm tra tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Bắc Ninh. Ảnh: AN AN
|
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đến nay, đất nước chúng ta đã trải qua 4 giai đoạn chống dịch Covid-19, không giai đoạn nào giống nhau, và đã tạo ra những thay đổi lớn trong công tác PCD ở tất cả cơ sở y tế, tất cả các tuyến, thậm chí ở chính mỗi người dân và cán bộ, nhân viên y tế. Nhân viên y tế phải chăm sóc toàn diện, tối đa cho bệnh nhân.
Ngoài công tác điều trị, nhân viên y tế còn chăm sóc, động viên tinh thần, hỗ trợ người bệnh trong sinh hoạt, ăn uống. Việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị. Cùng với đó là sự thay đổi, thích ứng linh hoạt của nhân viên y tế trong công tác phòng dịch. Nhân viên y tế thường ngày tham gia công tác phòng dịch, nhưng khi được huy động đã nhanh chóng tham gia làm việc tích cực ở cơ sở mới, địa phương mới, thậm chí ở một cộng đồng mới.
Đáng trân trọng nhất đó là sự hy sinh quên mình khi họ sẵn sàng làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao, thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh; họ làm việc tận tụy, tập trung từ 10 đến 12 giờ đồng hồ hằng ngày, thậm chí còn dài hơn. Việc thiếu hụt nhân lực và nhân viên phải làm việc với thời gian rất dài từ 15 ngày sau đó thay ca, trước khi về với gia đình họ còn phải cách ly 7 ngày nữa.
Như vậy, một nhân viên y tế sau mỗi đợt làm việc phải xa gia đình ít nhất 21 ngày. Có những nhân viên vài ba tháng không được về thăm gia đình. Nhưng với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngành y tế đã huy động tất cả cán bộ ở mọi miền Tổ quốc tham gia chống dịch, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trọng điểm với mục tiêu khống chế và dập dịch được nhanh nhất, giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
PV: Thứ trưởng có nhận xét gì về những “chiến sĩ” của mình trong các đợt dịch vừa qua?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đại dịch Covid-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong PCD. Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực, nhưng những "chiến sĩ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người. Họ không chút e dè, không quản ngại, không chùn bước, và đã gắn bó với những vất vả thường nhật khi tham gia công tác PCD tại các "điểm nóng" tâm dịch trong hai năm vừa qua. Họ luôn để lại hình ảnh gắn bó thân thương, đáng nhớ với người dân, cộng đồng, bằng tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của người dân bị dịch bệnh đe dọa.
Có thể nói, hơn tất cả những hy sinh, tận tình của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, họ luôn tự hào khi được cống hiến hết sức mình, bằng trái tim, tâm huyết, quyết tâm chiến thắng đại dịch, bảo đảm tính mạng, sức khỏe của nhân dân, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường, ổn định.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
DIỆP CHÂU (ghi)