Sự vô lý gây hệ lụy khôn lường!

Sức khỏe con người là quan trọng nhất. Người dân mua bảo hiểm y tế (BHYT) để được khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe và mạng sống. Vậy nhưng khi mắc bệnh thì bệnh viện hết thuốc, phải tự bỏ tiền túi để mua?

Sử dụng dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh trong danh mục được thanh toán BHYT cũng không được thanh toán nếu bệnh viện thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất (dù thực tế đại đa số bệnh viện công không được Nhà nước trang bị đủ những loại máy này nên rất nhiều bệnh viện phải dùng máy của nhà thầu cho mượn từ nhiều năm qua)? Đây là những điều hết sức vô lý!

Việc hàng vạn người mua BHYT nhưng không được hưởng đầy đủ quyền lợi mỗi khi khám, chữa bệnh đã khiến họ và gia đình rất tốn kém, bức xúc vì phải mất tiền oan để mua thuốc, làm các xét nghiệm ở bên ngoài bệnh viện; không được thanh toán BHYT.

Nhưng nguy hiểm hơn là rất nhiều người bệnh vì không thể “xoay” đủ tiền nên không dám đi khám, chữa bệnh, hoặc không được làm đủ những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán và điều trị đúng, không có đủ thuốc để chữa bệnh hiệu quả – điều này dẫn đến sức khỏe và tính mạng bị đe dọa! Hậu quả thật khôn lường!

Từ tháng 5-2022, nhiều bệnh viện công thiếu thuốc, vật tư y tế (ảnh minh họa). Ảnh: baokiemtoannhanuoc.vn

Chủ trương đúng, nhưng lại... “vướng luật”

Trước thực tế trên, từ tháng 6 đến nay, Thủ tướng Chính phủ cùng các phó thủ tướng, rồi Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc với các bệnh viện, chuyên gia y tế và bộ, ngành liên quan để bàn biện pháp tháo gỡ.

Ngày 29-6, Thường trực Chính phủ họp và chỉ đạo: Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát tổng thể những quy định liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và chủ trương xã hội hóa, hợp tác công-tư trong lĩnh vực y tế.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5-9-2022 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20-9-2022, đồng thời Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo tại nhiều cuộc họp với tinh thần quyết liệt:

Yêu cầu các bộ, ngành phải quán triệt quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Sớm giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Dứt khoát không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do vướng mắc về thủ tục, quy định và do thiếu trách nhiệm. Khẩn trương rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, ban hành những quy định mới. Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết thì kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng, dứt khoát. Tuy nhiên, khi các bộ, ngành họp bàn, lấy ý kiến góp ý vào những văn bản, quy định cách làm, giải pháp tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh thì lại gặp tình trạng “vướng luật” (nhất là Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Giá; Luật Khám bệnh, chữa bệnh và những nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các luật này).

Theo PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Văn bản pháp quy ảnh hưởng sâu sắc tới cơ sở vì khi thực hiện phải bám vào văn bản pháp quy; các cơ quan hậu kiểm cũng chỉ căn cứ vào văn bản pháp quy để kiểm tra. Tuy nhiên, hiện nay một số văn bản không cập nhật sát thực tế, gây khó khăn cho mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), chia sẻ: Việc nhiều văn bản pháp lý không theo kịp thực tế cũng là nguyên nhân gây thiếu thuốc, vật tư y tế.

Trong tờ trình của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cũng nêu rõ: Các văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn có một số nội dung chưa rõ, chưa cụ thể nên dẫn tới cách hiểu, cách làm khác nhau. Nhiều lãnh đạo bệnh viện có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám mua sắm...

Trăn trở trước những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng vừa thiếu, vừa khó bảo đảm chất lượng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, ngày 3-9 vừa qua, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại câu chuyện "dao mổ y tế rạch 3 lần mới qua da" do bất cập trong đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế; đồng thời chỉ đạo: Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng cũng tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị phát huy tinh thần chủ động, năng động để mua thiết bị y tế hợp lý nhất chứ không phải mua thiết bị rẻ nhất.

 

Lãnh đạo Bộ Y tế thăm và kiểm tra tại Bệnh viện Bạch Mai, tháng 8-2022. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai 

Cần nhận thức đúng và sửa luật đồng bộ để gỡ vướng cho y tế

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang rà soát, kiến nghị sửa đổi những quy định không còn phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Tại hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng: Một trong những khó khăn, vướng mắc nhất của ngành y hiện nay là các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau về việc các bệnh viện công sử dụng máy mượn của đơn vị trúng thầu hóa chất xét nghiệm.

Trên thực tế, do Nhà nước không thể bảo đảm đủ các loại máy hiện đại cho bệnh viện công, đồng thời hầu hết máy xét nghiệm là “máy đóng” (chỉ dùng được hóa chất đúng hãng) nên từ nhiều năm qua, đa số bệnh viện vẫn dùng máy mượn để phục vụ khám, chữa bệnh; thậm chí, nhiều bệnh viện lớn sử dụng tới 80% máy mượn.

Thế nhưng, một số cơ quan quản lý đang hiểu nhầm giữa máy đơn vị trúng thầu hóa chất cho mượn (khi hết hợp đồng cung cấp hóa chất thì trả) với máy mà doanh nghiệp đặt tại bệnh viện theo hình thức liên doanh, liên kết để làm dịch vụ, thu lợi nhuận (hình thức này dễ phát sinh tiêu cực).

Việc siết chặt các quy định quản lý đối với máy doanh nghiệp đặt tại bệnh viện theo hình thức liên doanh, liên kết để làm dịch vụ, thu lợi nhuận, là cần thiết nhằm phòng tránh tiêu cực (như đã xảy ra ở một số bệnh viện).

Nhưng nếu coi máy của nhà thầu cho mượn sau khi trúng thầu vật tư, hoá chất cũng giống như máy đặt của đơn vị liên doanh, liên kết với bệnh viện, thì lại là sai lầm, vì bản chất 2 hình thức này hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể: Máy nhà thầu cho bệnh viện mượn sau khi họ trúng thầu vật tư, hóa chất là đã qua đấu thầu, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, cạnh tranh sòng phẳng (hết hợp đồng thì lại tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu tốt nhất, bệnh viện không bị phụ thuộc vào đơn vị cho mượn máy). Với hình thức này, cả nhà nước, bệnh viện và người bệnh đều được hưởng lợi vì không phải mất tiền mua máy mà vẫn có đủ máy để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, chi phí khám, chữa bệnh giảm.

Còn máy đặt tại bệnh viện theo hình thức liên doanh, liên kết thì về bản chất là sự hợp tác giữa bệnh viện và đơn vị đặt máy để làm dịch vụ, hai bên cùng thu lợi nhuận, không qua đấu thầu rộng rãi nên dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực; nguy cơ tăng chi phí khám, chữa bệnh, gây thiệt hại cho người bệnh và quỹ BHYT.

Đến nay, tuy hầu hết các bộ, ngành, chuyên gia đã hiểu sự khác nhau giữa máy mượn và máy đặt; Bộ Y tế đã thống nhất đề nghị cho phép các bệnh viện công sử dụng máy của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn (sau khi trúng thầu), nhưng “soi” vào các quy định của pháp luật thì lại vướng quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Nghị định số 151/2017/NĐ-CP không có quy định cho phép các cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập được mượn tài sản để sử dụng).

Hiện cũng chưa có quy định chính thức về thanh toán BHYT cho các xét nghiệm phục vụ khám, chữa bệnh thực hiện trên máy của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn (lúc thì cho phép, lúc lại không). Mặt khác, Luật Đấu thầu cũng chưa có quy định về đấu thầu trọn gói dịch vụ xét nghiệm, bao gồm vật tư y tế, hóa chất và máy móc trong thời gian khoảng 5 năm (đủ để hết thời gian khấu hao máy).

Đây là những bất hợp lý cần được khắc phục ngay bằng cách sửa đồng bộ các quy định của Luật Đấu thầu và quy định về quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm cả Nhà nước, bệnh viện và nhân dân đều có lợi, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế.

Điều này cũng rất phù hợp với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công an: Để khắc phục vướng mắc và đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu phương án tổ chức đấu thầu dịch vụ kỹ thuật (bao gồm cả vật tư y tế, hóa chất và máy móc để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật) thay vì đấu thầu mua sắm máy và hóa chất, để có thể tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền mua sắm máy móc và tránh tình trạng độc quyền về hóa chất, vật tư y tế.

Bên cạnh sớm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, theo PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Cần phải sửa một số văn bản không sát với thực tiễn. Ví dụ, Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế về nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập, việc chia nhóm, phân nhóm để mua sắm đấu thầu có bất hợp lý là nhiều thiết bị, vật tư tiêu hao của các nước có chất lượng kém hơn lại xếp cùng nhóm với thiết bị, vật tư của các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu.

Như vậy, bệnh viện muốn mua vật tư tốt cho người bệnh rất khó, vì cấu hình kỹ thuật giống hệt nhau, đem vào đấu thầu, cái nào rẻ thì trúng. Bệnh viện chỉ mua được loại rẻ tiền chứ không mua được loại chất lượng cao để phục vụ người bệnh.

Tại hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị cần sửa đồng bộ nhiều luật mới gỡ vướng được cho ngành y tế để khám, chữa bệnh tốt hơn. Ảnh: HUY QUANG 

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng kiến nghị: Giá mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên khoa...

Cần cho phép các bệnh viện từ hạng 1 đến hạng đặc biệt được lựa chọn nhà sản xuất để mua sắm thiết bị y tế phù hợp, vì các thương hiệu lớn thường mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu. Nếu vẫn đấu thầu tên chung chung như hiện nay thì các thiết bị trúng thầu sẽ không phục vụ được nhu cầu của các bệnh viện hạng 1 trở lên.

Bên cạnh những bất hợp lý trên, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng: Hiện các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng giá dự toán. Theo Thông tư số 58/2012/TT- BTC của Bộ Tài chính, sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu thì các bệnh viện không thể làm được, vì khi tổ chức đấu thầu thì giá đã khác, thường là tăng so với lúc lập dự toán... Nếu không sửa quy định này thì rất khó mua sắm thuốc, vật tư y tế có chất lượng.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): Cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các quy định liên quan hướng dẫn đấu thầu, đăng ký thuốc, giá thuốc, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau; rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện còn vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.

Vừa qua, khi góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều chuyên gia về luật, y tế và lãnh đạo các bệnh viện đã đề nghị cần sửa cả 3 luật (gồm: Khám bệnh, chữa bệnh; Đấu thầu; Luật Giá) và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm sự thống nhất, khắc phục những vướng mắc về pháp lý liên quan đến mua sắm, đấu thầu, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Nếu chỉ sửa riêng Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì vẫn không thể gỡ vướng.

Bàn về vấn đề này, TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII (Hà Nội) cho rằng: Để gỡ vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, Chính phủ cần cho rà soát lại cơ chế, chính sách, có vấn đề gì vướng thì tập trung sửa ngay, nhất là các quy định liên quan đến đấu thầu, mua sắm.

Việc nước ta chuẩn bị sửa đổi cả 3 bộ luật, gồm Luật Giá, Luật Đấu thầu và Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cơ hội rất thuận lợi để sửa đổi đồng bộ, thống nhất, khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập về pháp lý liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, tạo thuận lợi cho ngành y phát triển vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhiều chuyên gia về pháp luật và y tế hiến kế: Để khắc phục bất hợp lý “bệnh viện công lập không được dùng máy của các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn”, đồng thời phòng tránh những tiêu cực có thể phát sinh từ việc này, Luật Đầu thầu (sửa đổi) sắp tới, trong chương về đấu thầu thuốc và vật tư y tế, chỉ cần quy định: Cơ sở y tế tổ chức đấu thầu rộng rãi dịch vụ xét nghiệm (gồm cả hóa chất và máy kèm theo) trong thời hạn 5 năm (để bảo đảm đủ thời gian khấu hao máy).

Như vậy, đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp cả hóa chất và máy xét nghiệm cho bệnh viện. Hết thời hạn hợp đồng sẽ tổ chức đấu thầu tiếp và bệnh viện luôn có quyền chọn nhà thầu tốt nhất, không mất tiền mua, thuê máy và không bị lệ thuộc vào đơn vị cho mượn hoặc tặng máy, khó xảy ra tiêu cực.

Cách làm này đã được nhiều nước thực hiện vì đặc thù máy xét nghiệm hầu hết chỉ sử dụng hóa chất cùng loại. Nếu bệnh viện tự mua máy thì càng phụ thuộc vào hãng cung cấp hóa chất.

HUY QUANG