Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi và số ca mắc ngày càng tăng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiến nghị với UBND TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi. Ngày 22-8, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Việc công bố dịch trước hết phải dựa theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quy định pháp luật nêu rõ, trong trường hợp số ca mắc vượt quá trung bình cùng kỳ của 3 năm được gọi là dịch. Nếu hai xã trở lên có dịch có thể công bố dịch ở huyện, nếu hai huyện trở lên có dịch có thể công bố ở tỉnh và hai tỉnh trở lên có thể công bố ở cấp quốc gia”.

leftcenterrightdel
Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: PHONG LAN 

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Đức cũng cho rằng, việc công bố dịch cần căn cứ theo khả năng đáp ứng và nguồn lực của địa phương. Ông nhận định: "Hiện tại, TP Hồ Chí Minh có nguy cơ và đã xin ý kiến các đơn vị về công bố dịch. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, ngay từ đầu, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi để chuẩn bị ứng phó với đợt dịch này. Tôi nhận thấy mặc dù số ca mắc vượt so với trung bình cùng kỳ của 3 năm trước đó nhưng TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị các phương án để sẵn sàng phòng, chống dịch. Do đó, việc công bố dịch hay không là do địa phương khi thấy năng lực chống dịch cần được huy động nguồn lực hơn nữa, tổ chức biện pháp chặt chẽ hơn nữa”.

Theo quy định của Bộ Y tế, khi một địa phương công bố dịch thì vaccine và tất cả nguồn lực cần thiết, địa phương đó sẽ phải sử dụng vốn tại chỗ, Trung ương sẽ không hỗ trợ. Trung ương chỉ hỗ trợ vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên, còn việc chống dịch thì địa phương phải chủ động.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức: Hiện nay là thời điểm mùa tựu trường, nguy cơ mắc bệnh sởi và tỷ lệ lây nhiễm cao, gấp khoảng 18 lần so với bình thường. Tức là trong không gian phòng học, nếu có một người mắc sởi thì hầu hết những người chưa được tiêm phòng cũng sẽ mắc bệnh. Trước khi chính thức bắt đầu năm học mới, ngày 22-8, Bộ Y tế phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi để phòng, chống dịch sởi đợt này. Theo đó, chiến dịch này có những điểm khác so với kế hoạch tiêm chủng thông thường và kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Cụ thể, đối tượng tiêm được mở rộng ra từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine sởi. Hiện, Bộ Y tế xác định 18 tỉnh có nguy cơ bùng dịch với hơn 100 huyện được đưa vào chiến dịch đợt 1 về tổ chức tiêm chủng.

Toàn bộ vaccine được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng này đều miễn phí, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp. Đây là nội dung mà ngay từ đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng trưởng đại diện WHO và trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã làm việc và thống nhất, hướng tới mục tiêu để người dân được tiêm vaccine sởi đầy đủ hơn.

THU HƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.