Nhờ thường xuyên cập nhật những phương pháp điều trị và hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội luôn là địa chỉ tin cậy điều trị bệnh nhân ung thư của Thủ đô và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại Hội thảo phòng, chống ung thư Hà Nội năm 2022 do Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tổ chức mới đây, bác sĩ Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thông tin, gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990, các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian. Trong lĩnh vực điều trị ung thư, sự tác động của dịch Covid-19 đã tăng áp lực và hậu quả xấu tới người bệnh-những người đang cần được điều trị liên tục. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội nói riêng và các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô nói chung đã phải phân bổ lại nguồn lực hằng ngày để đương đầu, duy trì đồng thời mục tiêu kép: "Điều trị bệnh và kiểm soát dịch".
 |
Tiếp đón bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: VŨ HƯƠNG |
Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư, giai đoạn phát hiện bệnh là yếu tố quyết định đến khả năng chữa trị. Phát hiện bệnh sớm đồng nghĩa với tăng cơ hội được chữa trị thành công. Chính vì thế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo về sự cần thiết nâng cao nhận thức trong công tác chẩn đoán sớm và thực hiện sàng lọc. Ý thức được tầm quan trọng của việc chẩn đoán ung thư sớm đối với người dân, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã triển khai chương trình khám tầm soát ung thư sớm với các gói khám từ cơ bản đến nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân ở các điều kiện kinh tế khác nhau.
Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội nhận định: “Những con số về chẩn đoán sớm, điều trị thành công đã minh chứng cho thành công của chúng ta trong tiếp cận, hội nhập khoa học kỹ thuật thế giới về điều trị ung thư”. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối, giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành ung bướu, tiếp nhận khám và điều trị chuyên khoa ung bướu cho bệnh nhân trên khắp cả nước. Đồng thời, Bệnh viện cũng được Bộ Y tế lựa chọn là một trong các bệnh viện tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế, phối hợp với các bệnh viện Trung ương trong công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ và nâng cao chất lượng chuyên môn tuyến dưới. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Điều dưỡng Ung thư quốc tế (ISNCC)...
Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các lĩnh vực điều trị bệnh lý ung bướu, gồm: Nội khoa, ngoại khoa, xạ trị, y học hạt nhân, chăm sóc giảm nhẹ, điều trị can thiệp. Bệnh viện cũng có thể thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu về ung bướu mà các bệnh viện tuyến cuối đang thực hiện, cũng như tiếp cận với nhiều kỹ thuật cao về ung bướu trên thế giới... Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã tiếp nhận đào tạo, hỗ trợ chuyên môn về chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung bướu cho cán bộ của các cơ sở y tế tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước; song song với việc không ngừng nâng cao thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Chia sẻ thêm về tình hình ung thư tại Việt Nam, GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, hiện nay, chỉ có 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư. Theo GLOBOCAN (Tổ chức Ung thư toàn cầu), tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư, hiện có 354.000 người "sống chung" với ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy tình trạng mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng. "Đây cũng là xu hướng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm. Con số này cho thấy gánh nặng bệnh ung thư gây nên cho cộng đồng hết sức lớn. Chúng ta thường nghe con số tử vong do tai nạn giao thông, dịch Covid-19 nhưng thực tế con số này chưa thấm gì so với ung thư", GS, TS Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, ung thư không phải vấn đề gây nên sợ hãi, lo lắng. Chúng ta có thể phát hiện sớm, kịp thời và chữa khỏi nhờ các công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị. Thực tế trong những năm gần đây cho thấy sự hoang mang, lo lắng của người dân khi biết tin mắc bệnh ung thư đã giảm, nhiều người đã có thể kéo dài được tuổi thọ và chung sống với căn bệnh này. Kết quả đó đều nhờ vào những tiến bộ trong điều trị ung thư ở nước ta.
HÀ VŨ