Các giải pháp này đang cần những cú hích đồng bộ, giúp nhân viên y tế tận tâm cống hiến, chủ động, gắn bó lâu dài trong giai đoạn thích ứng với dịch bệnh.
Thiếu hụt nhân lực y tế
Số ca nhiễm Covid-19, bệnh nhân nặng, ca tử vong do Covid-19 vẫn ở mức cao, đang là thách thức rất lớn đối với công tác PCD Covid-19 ở các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, nguồn nhân lực nhân viên y tế đang bị thiếu hụt, khiến nhiều địa phương phải có văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có biện pháp hỗ trợ. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố có gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và xu hướng nghỉ việc trong lĩnh vực y tế tiếp tục gia tăng. Việc nhân viên y tế nghỉ việc có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng tuyến đầu, khiến công tác chăm sóc bệnh nhân trở nên khó khăn hơn.
Trong đợt dịch vừa qua, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã huy động toàn bộ lực lượng y tế công lập và ngoài công lập để phục vụ PCD và được hỗ trợ từ các bệnh viện, địa phương trong cả nước. Sau khi lực lượng hỗ trợ rút dần, tỉnh đã gặp nhiều khó khăn về nhân lực trong công tác PCD Covid-19. Hiện, tỉnh Bình Dương đang cần ít nhất 6.000 nhân viên y tế, trong đó có 2.000 bác sĩ.
Tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng thiếu trầm trọng nhân viên y tế ở tuyến cơ sở đang gây nhiều khó khăn trong PCD. Số ca nhiễm F0 vẫn còn nhiều, trong khi nhân lực y tế ở các trạm chỉ có 6-10 người. Nhiều trạm y tế do nhân viên bị nhiễm Covid-19 phải cách ly, điều trị khiến việc hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn càng khó khăn hơn. Theo bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành (Đồng Nai), nhiều trạm y tế thuộc huyện Long Thành thiếu nhân lực nên công tác PCD gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng.
 |
Nhân viên y tế TP Hồ Chí Minh khám sàng lọc cho học sinh trước khi tiêm vaccine ngừa Covid-19. |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã tại TP Hồ Chí Minh đang ở mức rất thấp, chỉ đạt 2,3 trên 10.000 dân, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu và nhu cầu thực tế; tỷ lệ này mức trung bình cả nước là 7,4, TP Hà Nội là 6. Trong số 310 trạm y tế cố định thì 182 trạm y tế có quy mô dân số trên 18.000 dân, có 40 trạm y tế quy mô trên 50.000 dân, có 3 trạm y tế trên 100.000 dân trở lên, riêng hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có 125.000 dân, cao gấp 5-6 lần.
Xã hội hóa, tăng cường nhân lực y tế về cơ sở
Nâng cao năng lực điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid ở tuyến y tế cơ sở được xem là giải pháp cần triển khai quyết liệt, đồng bộ. Tuyến y tế cơ sở được củng cố, đủ nhân lực sẽ giúp giảm được số ca nhập viện điều trị, số ca tử vong, không tạo quá tải ở các bệnh viện điều trị. Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân phối hợp chặt chẽ với các trạm y tế để sẵn sàng tham gia PCD. Mỗi bệnh viện tư nhân hỗ trợ 2-5 bác sĩ, 5-10 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Mỗi phòng khám đa khoa tư nhân hỗ trợ 1-2 bác sĩ, 2-4 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn ban hành các chính sách hỗ trợ nhân viên y tế để họ yên tâm cống hiến.
Cơ quan công đoàn ngành y tế tỉnh Đồng Nai thực hiện hỗ trợ cho nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 với mức: Trợ cấp kinh phí 10 triệu đồng đối với nhân viên y tế dương tính và 100 triệu đồng đối với nhân viên y tế không may bị tử vong. Đa số các trạm y tế ở tỉnh Đồng Nai khác đều được xây dựng trước năm 2000 và đã xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị đã hết khấu hao. Cuối tháng 10-2021, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã đề xuất đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 104/170 trạm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, qua đó nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, PCD trong giai đoạn thích ứng mới.
Tại TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã giao Sở Y tế xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Trong bối cảnh F0 đang tăng trở lại, trước mắt sẽ đưa bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế lưu động về tăng cường cho trạm cố định để chăm sóc người bệnh. Sở Y tế TP cũng đã triển khai kế hoạch đưa 750 bác sĩ đa khoa, cử nhân điều dưỡng vừa tốt nghiệp ở các trường y khoa tham gia thực hành khám, chữa bệnh tại 22 trung tâm y tế quận huyện, TP Thủ Đức và 310 trạm y tế phường, xã. Thời gian thực hành là 12 tháng đối với bác sĩ và 9 tháng đối với điều dưỡng và trong thời gian này được hỗ trợ sinh hoạt phí bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Bên cạnh đề nghị Trung ương hỗ trợ, tăng cường, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang trình đề án chăm sóc F0 tại nhà có sự tham gia của phòng khám tư nhân. Đây được coi là một kênh xã hội hóa tạo nguồn nhân lực y tế tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 khá lớn và trải khắp địa bàn các quận, huyện".
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để tạo nguồn nhân lực y tế bền vững, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh hiện tại và trong tương lai, HĐND TP Hồ Chí Minh và Quốc Hội cần xem xét điều chỉnh các chính sách, chế độ đãi ngộ để thu hút thêm nhân sự về phục vụ trạm y tế. Điều đó không chỉ nâng cao thu nhập mà còn tạo điều kiện, chính sách để nhân viên y tế ở tuyến cơ sở phát triển nghề nghiệp, có cơ hội học tập, nâng cao trình độ, học hàm, luôn yên tâm cống hiến, sẵn sàng chủ động gắn bó với nghề lâu dài.
Bài và ảnh: BẢO MINH