Những ngày đầu năm Ất Tỵ - 2025, các phòng điều trị Khoa A7 hầu như kín bệnh nhân. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của Khoa luôn tất bật với công việc chăm sóc, điều trị người bệnh. Vậy nhưng, các y, bác sĩ luôn nở nụ cười trên môi và ân cần, nhẹ nhàng trò chuyện, chăm sóc người bệnh.

Đại tá, bác sĩ Hoàng Lê Nguyễn, Chủ nhiệm Khoa A7 đón tiếp, nắm tình hình bệnh nhân ngay khi vừa vào khoa. 

Tại khu vực tiếp đón bệnh nhân, có một bệnh nhân được người nhà đưa vào nhập viện, bỗng lên cơn động kinh la hét… Nhanh chóng, Đại tá, bác sĩ Hoàng Lê Nguyễn, Chủ nhiệm Khoa cùng một số y, bác sĩ có mặt kiểm tra, nắm tình trạng bệnh nhân. Qua kiểm tra sơ bộ, Đại tá, bác sĩ Hoàng Lê Nguyễn chẩn đoán bệnh nhân lên cơn động kinh, không làm chủ được hành vi. Các y, bác sĩ khẩn trương phối hợp với người nhà giữ bệnh nhân và áp dụng phương pháp điều trị cấp cứu kịp thời cắt cơn động kinh cho người bệnh…

Cán bộ, y, bác sĩ đón tiếp bệnh nhân vào Khoa.  

Đi vào các phòng điều trị, chúng tôi được nghe người nhà bệnh nhân và bệnh nhân kể lại nhiều hành động, việc làm ý nghĩa của các y, bác sĩ nơi đây. Chúng tôi gặp bệnh nhân Dương Xuân Ba, ở phường Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Ba luôn xem các y, bác sĩ Khoa A7 như ân nhân của mình. Theo lời bệnh nhân Dương Xuân Ba, cách đây hơn 1 năm ông bỗng dưng bị liệt nửa người bên phải, nói khó, liệt dây 7 Trung ương bên phải, huyết áp 240/120 mmHg được người nhà đưa vào Khoa A7 cấp cứu.

Qua thăm khám, Đại tá, bác sĩ Hoàng Lê Nguyễn xác định bệnh nhân đột quỵ não cấp giờ thứ 1. Các y, bác sĩ trong khoa tiến hành kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, lập tức làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp CT sọ não. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cấp giờ thứ 1. Bằng các phương pháp điều trị tích cực, bệnh nhân được kiểm soát huyết áp bằng Nicardipin qua bơm tiêm điện và chỉ định điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân hết nói khó, liệt nửa người bên phải phục hồi nhanh chóng. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân trở lại như trước khi bị bệnh. 

Đại tá, bác sĩ Hoàng Lê Nguyễn, Chủ nhiệm Khoa A7 (Bệnh viện Quân y 4, Quân khu 4) thường xuyên thăm khám, nắm tình hình bệnh nhân. 

Khi nói về tinh thần, thái độ của các y, bác sĩ Khoa A7, bệnh nhân Phạm Trì ở xã Đông Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đang điều trị tại phòng 103, không hết lời khen ngợi. Theo ông Trì kể lại, cách đây 5 ngày ông bị liệt tứ chi phải di chuyển bằng xe lăn và phải nhờ đến sự hỗ trợ của người nhà. Vào Khoa A7, qua thăm khám các bác sĩ kết luận ông bị căn bệnh liệt chu kỳ do hạ kali máu. Nhờ có sự điều trị và chăm sóc, động viên tinh thần của các y, bác sĩ đến nay bệnh tình của ông đã thuyên giảm và đã tự đi lại được.

Áp dụng phương pháp điều trị tích cực cho người bệnh. 

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá, bác sĩ Hoàng Lê Nguyễn cho biết: “Đặc thù bệnh nhân Khoa A7 số lượng luôn quá tải, đa số bệnh nhân có nhiều bệnh lý kết hợp. Trong đó, có nhiều căn bệnh nặng như đột quỵ não, động kinh, tâm thần… Vì thế, trong quá trình điều trị, chúng tôi phối kết hợp nhiều phương pháp để chữa trị làm sao mang lại hiệu quả nhất. Đặc biệt, những bệnh nhân thần kinh, tâm thần không chỉ sử dụng phương pháp điều trị y học mà kết hợp cả liệu pháp tinh thần. Do đó, các y, bác sĩ trong khoa không chỉ là người thầy thuốc mà còn là người mẹ, người bạn, chuyên gia tâm lý… đối với bệnh nhân”.

Tận tình chăm sóc, điều trị người bệnh. 

Được biết, bệnh nhân Khoa A7 có nhiều căn bệnh khác nhau. Nhất là các bệnh nhân tâm thần không làm chủ được hành vi thường điều trị tách biệt một khu vực riêng. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua có 8 bệnh nhân điều trị xuyên Tết. Với tinh thần “Lương y như từ mẫu”, các y, bác sĩ Khoa A7 luôn quan tâm chăm sóc, động viên bệnh nhân bằng tất cả tấm lòng của mình.

Trung tá QNCN Nguyễn Thị Thu Hiền, Điều dưỡng trưởng Khoa A7 nói: “Trong quá trình điều trị, các y, bác sĩ trong khoa “kiêm” luôn cả người thân của bệnh nhân. Bởi nhiều lúc bệnh nhân tâm thần có những nhu cầu theo thói quen hằng ngày như uống nước chè, ăn hoa quả… khi cần nhờ đến các y, bác sĩ đều sẵn lòng giúp đỡ. Có những lúc, bệnh nhân trầm cảm cần người trò chuyện, chúng tôi đóng vai những chuyên gia tâm lý…”.

Đặc thù bệnh nhân Khoa A7 một số căn bệnh như đột quỵ não rất cần đến sự khẩn trương và tinh thần tận tụy của các y, bác sĩ. Theo Thượng úy, bác sĩ Lê Tuấn Anh đối với căn bệnh đột quỵ não khoảng thời gian “vàng” để cấp cứu hết sức quan trọng. Vì thế, trong bất kỳ thời điểm nào các kíp trực của Khoa A7 luôn luôn sẵn sàng tâm thế và nêu cao y đức để cứu chữa người bệnh. Nhiều bác sĩ đã làm việc ngoài giờ và ngày nghỉ, giờ nghỉ khi lượng bệnh nhân đông.

Trong quá trình chữa trị khoa đã nghiên cứu, áp dụng một số phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả cao như: Phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, tiêm ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, điều trị bằng oxy cao áp, điều trị đau thần kinh sau Zona… Nhờ vậy, các bệnh nhân mắc điều trị tại khoa đều được điều trị với tỷ lệ khỏi bệnh cao, phục hồi tốt.

Giúp bệnh nhân nặng gội đầu. 

Không chỉ tận tụy trong công tác khám, điều trị người bệnh, đội ngũ y, bác sĩ Khoa A7 còn có nhiều hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa đối với bệnh nhân. Nổi bật như, mô hình “Buồng tiêm tự quản”; “Bát cháo tình thương”; “Gội đầu cho bệnh nhân nặng” quyên góp hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn… Với tinh thần, tận tụy của mình, trong quá trình điều trị, các y, bác sĩ Khoa A7 được biết đến là những “từ mẫu” đặc biệt ở Bệnh viện Quân y 4.

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.