Hội thảo được Quỹ đổi mới sáng tạo VinGroup tài trợ.

Theo thông tin từ hội thảo, trong những năm qua, ở lĩnh vực khoa học xã hội, đã có nhiều nghiên cứu về biển đảo dưới các góc độ: Kinh tế học, sử học, khảo cổ học, văn hóa học, du lịch, quan hệ quốc tế…, song các nghiên cứu về dân tộc học còn hạn chế. Sự hạn chế nghiên cứu về biển đảo của ngành dân tộc học ở Việt Nam chủ yếu là do phải tập trung vào những nhiệm vụ cấp bách khác ở vùng đồng bằng, miền núi và biên giới trên đất liền.

leftcenterrightdel
Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội thảo.

Tại hội thảo, bước đầu bổ khuyết cho những hạn chế nêu trên, các nhà khoa học đã góp phần xác định vai trò, vị thế của các tộc người ở vùng biển đảo hay gắn với biển đảo trong lịch sử và bối cảnh hiện nay. Theo đó, các báo cáo đã đề cập đến nhiều vấn đề tộc người ở các vùng biển đảo quan trọng tại Việt Nam như: Vùng biển, đảo Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Trung và Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Những tộc người đã từng và đang có nhiều gắn bó với biển, đảo là Kinh (Việt), Hoa, Ngái, Chăm, Khmer…

PGS, TS Vương Xuân Tình (Hội Dân tộc học Việt Nam) trong báo cáo tại hội thảo đã đưa ra các nhận định về: Tộc người với biển đảo ở Việt Nam - Từ truyền thống cận duyên đến trung tâm của vấn đề phát triển. Theo PGS Vương Xuân Tình, để góp phần nhìn nhận sâu sắc thêm vấn đề tộc người với biển đảo ở Việt Nam, việc xem xét các nhóm tộc người-tôn giáo, mối quan hệ tộc người ở các vùng biển đảo cần được chú ý. Qua đó cho thấy sự gắn kết của những cộng đồng này về kinh tế, xã hội và văn hóa; mối quan hệ của tộc người trong nội vùng, liên vùng và xuyên quốc gia.

leftcenterrightdel

Quang cảnh Hội thảo "Tộc người với phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển và hải đảo Việt Nam”.

Hội thảo góp phần xây dựng nền tảng cho hướng nghiên cứu mới về vấn đề tộc người với biển đảo ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những đánh giá thực trạng khu vực ven biển và hải đảo; xem xét vai trò của tộc người trong phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển và hải đảo, các tham luận đưa ra những vấn đề nảy sinh liên quan đến tộc người cũng như đề xuất các giải pháp và chính sách phù hợp nhằm phát triển kinh tế-xã hội cho cư dân nơi đây theo hướng bền vững.

Tin, ảnh: KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.