Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, từ điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội tới 657 điểm cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố, với 33.337 đại biểu tham dự.
 |
Các đại biểu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội dự hội nghị.
|
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; các Phó chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Mạnh Quyền, Dương Đức Tuấn...
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương thông báo nội dung về kết quả Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII.
Theo đó, tại Hội nghị Trung ương 6, Trung ương đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng.
Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, hội nghị đã thống nhất nhận định: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định.
 |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông phát biểu tại hội nghị. |
Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia, thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc xây dựng và từng bước hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia cho từng thời kỳ phải dựa trên nguyên tắc: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng vùng, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hội nghị Trung ương 6 đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Tại hội nghị, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông cũng thông tin nhiều vấn đề quan trọng khác về Quy hoạch tổng thể quốc gia; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng...
 |
Quang cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội bầu một số chức danh lãnh đạo. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022, về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.
Tin, ảnh: NGỌC HUY