Bộ Nội vụ ngày 3-11 gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội cho biết hiện đã bố trí đủ ngân sách triển khai đồng bộ 6 nội dung cải cách tiền lương. Chính phủ đã trích lập quỹ tiền lương 560.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026.

leftcenterrightdel
Cán bộ làm thủ tục hành chính cho người dân tại UBND TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, tháng 8-2022.  

Sau khi mức lương tối thiểu khu vực công bằng khối doanh nghiệp, đời sống người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách sẽ được cải thiện. Chính sách tiền lương mới cũng hạn chế cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển từ khu vực công sang tư. Đây là động lực để họ nâng cao hiệu quả công việc, theo Bộ Nội vụ.

Lương công chức, viên chức được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Từ ngày 1-7-2023 khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì mức lương cao nhất của công chức là 14,4 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất là 2,43 triệu đồng/tháng.

Hiện lương tháng tối thiểu dành cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng I là 4,68 triệu đồng; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu. Mức này đã tăng 6% so với trước 1-7-2022.

Như vậy, sau khi mức lương tối thiểu khu vực công bằng khối doanh nghiệp, lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được cải thiện rất nhiều so với hiện nay.

Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2015 đến nay, các cơ quan Trung ương và địa phương đã tinh giản 10% biên chế công chức và 11,6% viên chức, để tạo nguồn cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, khó khăn khi cải cách tiền lương là hệ thống vị trí, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị vẫn đang hoàn thiện. Một số văn bản thể chế hóa chủ trương của Trung ương về cải cách tiền lương còn chậm. Hướng dẫn cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời; xã hội hóa để giảm số người hưởng lương từ ngân sách chưa đạt yêu cầu.

Theo VNE

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.