Cụ thể, từ ngày 1-2-2024, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chính thức triển khai áp dụng mô hình A-CDM giai đoạn 1. Trước đó, cảng đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lần 2 của mô hình mới A-CDM từ ngày 25-7-2023 đến ngày 31-10-2023 với tổng số gần 28.000 lượt chuyến bay cất hạ cánh an toàn. Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành quyết định chấp thuận triển khai áp dụng chính thức mô hình A-CDM cho tất cả chuyến bay nội địa và quốc tế qua cảng.

Để triển khai áp dụng chính thức mô hình mới, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai công tác đưa vào khai thác chính thức hệ thống A-CDM cùng đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý bay, các đơn vị phục vụ mặt đất, các hãng hàng không.

leftcenterrightdel

Ông Tô Tử Hà, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chia sẻ về việc áp dụng mô hình A-CDM. Ảnh: NIA

Theo ông Tô Tử Hà, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, những kết quả bước đầu đạt được của việc áp dụng mô hình A-CDM tại Nội Bài được các chuyên gia hàng không nước ngoài đánh giá cao. Ông Tô Tử Hà bày tỏ hy vọng mọi mắt xích trong dây chuyền phục vụ bay tại cảng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phát huy những kết quả đạt được, đưa hệ thống vận hành thông suốt, hiệu quả, góp phần nâng cao công tác điều hành hoạt động bay tại cảng.

Mô hình A-CDM là quy trình phối hợp giữa các đơn vị để ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay. Mô hình này cũng cung cấp một nền tảng phần mềm chung để các đơn vị phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác ra quyết định.

Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, mô hình A-CDM đã được áp dụng trong nhiều tình huống và điều kiện khai thác khác nhau từ điều kiện khai thác bình thường cho đến các tình huống bất thường (máy bay bị trục trặc kỹ thuật, tầm nhìn hạn chế…). Kết quả cho thấy, độ tuân thủ thời gian rời vị trí mục tiêu của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm đạt trung bình 98,7%. Hệ thống A-CDM đã tự động tính toán với độ chính xác cao, giảm áp lực cập nhật thủ công của các đơn vị mặt đất và hãng hàng không.

leftcenterrightdel
Triển khai áp dụng mô hình A-CDM tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài mang lại nhiều kết quả khả quan. Ảnh: NIA

Độ tuân thủ thời gian cho phép nổ máy của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm trung bình đạt 96,2%. Thời gian lăn của máy bay giảm so với cao điểm năm 2023 khi chưa áp dụng hệ thống. Thời gian máy bay lăn vào vị trí đỗ giảm trung bình hơn 30 giây và thời gian lăn ra để cất cánh giảm gần 3 phút, giúp các hãng hàng không tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải ra môi trường.

Kết quả này giúp giảm khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu, hỗ trợ ra quyết định chính xác, kịp thời và minh bạch. Tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến bay nhờ tối ưu hiệu quả khai thác và giảm thời gian lăn của máy bay.

Khi triển khai A-CDM cũng giúp tối ưu được hạ tầng cảng hàng không, nâng cao hiệu quả khai thác tại sân bay, giảm khí thải CO2 ra môi trường đồng thời nâng cao vị thế sân bay trong khu vực và thế giới. Hành khách sẽ có những trải nghiệm tốt hơn, do máy bay giảm thời gian lăn, thời gian dừng chờ, hạn chế bay vòng…

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.