Theo đó, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường nắm tình hình tại địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận khác. Lực lượng quản lý thị trường đã chú trọng các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, vàng, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế…

Bên cạnh đó, các đội quản lý thị trường chú trọng công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, trang mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử và các hành vi vi phạm thuộc chức năng, kiểm tra, xử lý của lực lượng quản lý thị trường.

leftcenterrightdel
Lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử. Ảnh: CẨM TÚ 

Trong tháng 5-2024, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh và các đội trực thuộc đã tiến hành kiểm tra 464 vụ với tổng số vụ vi phạm là 418 vụ, đã xử lý, thu nộp ngân sách với số tiền là gần 11 tỷ đồng từ xử phạt hành chính và bán hàng tịch thu. Ngoài ra, trị giá số hàng hóa bị tiêu hủy là hơn 4,1 tỷ đồng. Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn phần tiền phạt chưa thi hành là 31 quyết định với tổng số tiền hơn 490 triệu đồng.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 2 vụ có dấu hiệu phạm tội buôn lậu trị giá tang vật vi phạm hơn 10 tỷ đồng và 1 vụ chuyển trả để xử lý hành chính. Về công tác phối hợp kiểm tra liên ngành, lực lượng quản lý thị trường tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và quận, huyện, TP Thủ Đức tiến hành kiểm tra 183 vụ (có 9 vụ vi phạm).

Theo Cục Quản lý thị trường Thành phố, trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì việc phân công công chức giám sát chặt chẽ tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định nếu có dấu hiệu vi phạm; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng xăng dầu theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Quản lý thị trường. Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu.

HỒNG GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.