Ngân hàng cát của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn và dự đoán sẽ còn tăng trong các năm tới. Việc khai thác cát trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng đã làm vùng đồng bằng này thay đổi hình dạng.
Đó là thông tin được Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đưa ra tại Hội thảo Khởi động gói tư vấn xây dựng ngân hàng cát và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực ĐBSCL.
Hội thảo do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp Tổng cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 3-3 tại TP Cần Thơ.
 |
Quang cảnh hội thảo.
|
Theo Tổ chức WWF, hiện nay có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó để kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên. Việc khai thác cát trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là làm xói mòn các nhánh sông, sạt lở bờ gia tăng (khoảng 500 ha/năm). Hiện tại toàn khu vực ĐBSCL có đến 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở khoảng 610km, trong đó có 147 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 127km; nguy hiểm 137 điểm, dài 193km.
 |
Khai thác cát quá mức là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông tại ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. |
Trước vấn nạn khai thác cát sông không bền vững gây ra hậu quả nghiêm trọng lớn cho khu vực ĐBSCL và ảnh hưởng đến sinh kế cho người dân, trong năm năm (2019 - 2023), Tổ chức WWF đã triển khai dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng, chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở ĐBSCL”, gọi tắt là Dự án quản lý Khai thác cát bền vững.
Theo đó mục đích dự án hướng đến là xây dựng ngân hàng cát cho khu vực ĐBSCL; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL; tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng; xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng, chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL.
Tham luận tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng những tác động của việc suy giảm trầm tích trên vùng ĐBSCL do khai thác cát quá mức đã có bằng chứng khoa học rõ ràng. Các mối đe dọa và hiểm họa thật sự nghiêm trọng. Tuy nhiên, những tác động này có thể đảo chiều nếu như việc khai thác trầm tích được quản lý một cách chặt chẽ và phù hợp. Và việc triển khai thực hiện Dự án thành công sẽ góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế-xã hội do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.
Tin, ảnh: THÚY AN
QĐND - Tài nguyên bị thất thoát, môi trường, dòng sông bị hủy hoại và gây ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng... đó là những hậu quả do hoạt động khai thác cát gây ra ở nhiều nơi. Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã tăng cường ngăn chặn, xử lý, song nạn “cát tặc” vẫn tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp.