"Cát tặc" hoành hành
Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc”, tăng cường quản lý khai thác cát trên các con sông nhưng thời gian qua, nạn khai thác cát trái phép, “rút ruột” lòng sông vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Số liệu thống kê cho thấy, ở TP Cần Thơ hiện có khoảng 8 mỏ cát dọc sông Hậu nằm trên địa bàn các quận: Thốt Nốt, Ô Môn, Ninh Kiều và Cái Răng. Bên cạnh các mỏ cát và số phương tiện được cấp phép, tình trạng các tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép diễn ra công khai, phổ biến thời gian qua. Đáng lưu ý là nhiều doanh nghiệp được cấp phép nhưng vì lợi nhuận đã cố tình vi phạm, khai thác sai vị trí quy định. Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn này, Đại tá Nguyễn Hữu Lập, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy, Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Số lượng sà lan bị tạm giữ tăng lên mỗi ngày. Đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ gần 50 sà lan chở cát trái phép, với hơn 16.000m3 cát”.
Tình trạng hút cát trộm cũng diễn ra "tấp nập" tại tỉnh Tiền Giang. Theo số liệu thống kê của tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn hiện có 162 tổ chức, cá nhân hành nghề bơm hút cát, với 185 phương tiện. Các cơ quan chức năng đã sàng lọc nghi vấn 55 đối tượng lén lút khai thác cát lòng sông trái phép. Ngoài ra có khoảng 10 phương tiện bơm hút cát ngoài tỉnh đến hoạt động. Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Tiền thuộc địa bàn, nhưng những con số thống kê về phương tiện và khối lượng cát bị tạm giữ vì khai thác trái phép ngày một tăng lên.
Tại Kiên Giang, nghiêm trọng hơn, cồn cát nằm cạnh bãi biển khu vực Cồn Dương, Phú Quốc hiện không còn tồn tại. Hoạt động hút cát rầm rộ ngày đêm tại khu vực này khiến Cồn Dương biến mất.
Hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, mà còn là nguyên nhân chính gây sạt lở đất, đe dọa an toàn công trình đê điều, phòng, chống lũ lụt... Hậu quả rõ nhất theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn vùng ĐBSCL hiện có hơn 300 điểm sạt lở nghiêm trọng và theo ước tính mỗi năm, khu vực này mất hơn 500ha đất.
Cảnh sát giao thông TP Cần Thơ kiểm tra phương tiện khai thác cát trái phép.
Đâu là nguyên nhân?
Thực tế cho thấy, bên cạnh nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng đang “nóng” lên hằng ngày, phần lớn nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai phạm xảy ra liên tiếp, ồ ạt là do lợi nhuận từ khai thác cát trái phép cao gấp 2-3 lần so với bình thường, trong khi thủ tục cấp phép khai thác cát, sỏi được quy định trong Luật Khoáng sản lại rườm rà, mất nhiều thời gian. Anh Trần Quốc Phục, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, chủ sà lan chở 370m3 cát bị tạm giữ, cho biết: “Giá cát thu mua là 40.000 đồng/m3, cộng thêm các chi phí cho máy cạp, phải trả 17 triệu đồng. Tùy theo khoảng cách vận chuyển mà mức giá sẽ dao động khoảng 100.000-120.000 đồng/m3. Theo đó, trừ mọi chi phí, tôi cũng lãi 20.000 đồng/m3".
Một trong những nguyên nhân sâu xa khiến việc ngăn chặn hành vi khai thác cát trái phép gặp nhiều khó khăn là do quy định pháp luật về xử lý vi phạm có nhiều bất cập, chưa đủ sức răn đe. Phần lớn các vụ khai thác trái phép cát chỉ dừng lại ở việc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa là 160 triệu đồng (quy định tại Nghị định số 142/2013/NĐ-CP). Mức phạt như vậy là quá nhẹ so với khoản lợi nhuận kếch xù do khai thác cát trái phép mang lại. Vì vậy, các đối tượng vi phạm sẵn sàng nộp tiền rồi sau đó lại tái phạm. Cùng với đó, sự mập mờ trong quản lý; không có sự rõ ràng trong quy hoạch, trong cấp phép khai thác cát cũng là nguyên nhân để “cát tặc” tồn tại và ngày một lộng hành hơn.
Khó khăn trong xử lý
Mặc dù các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền đã có nhiều văn bản, nhưng việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép đang gặp nhiều khó khăn. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Lập, để xử lý được những trường hợp vi phạm phải bắt quả tang phương tiện đang tiến hành khai thác. Nhưng các chủ phương tiện trang bị cả ống nhòm để quan sát lực lượng chức năng từ xa. Vì thế, khi lực lượng chức năng xuất hiện, các phương tiện khai thác cát nhanh chóng chạy sang phần sông thuộc các tỉnh khác.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Để thực hiện hành vi hút cát trái phép, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, những tàu hút cát ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Thiết kế bộ phận giảm thanh để giảm tiếng ồn trong lúc vận hành hút cát; cắt cử người canh gác và chỉ hoạt động vào đêm tối; hút cát tại những địa bàn giáp ranh các tỉnh để khi phát hiện lực lượng chức năng thì điều khiển tàu chạy sang địa bàn tỉnh khác…”.
Ở một khía cạnh khác, khi cấp phép khai thác, các mỏ cát đều phải đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường. Dựa vào đó, địa phương sẽ cấp phép nhưng khống chế về trữ lượng khai thác của từng mỏ; trữ lượng khai thác từng ngày, từng năm và theo dõi qua sổ nhật ký khai thác... Việc khống chế trên dẫn đến thực trạng các mỏ cát sẽ xuất hóa đơn ít hơn nhiều so với trữ lượng bán ra nhằm khai thác nhiều hơn mức cho phép để trục lợi. Điều này sẽ rất nguy hiểm đến môi trường và nguồn thu thuế nếu các cơ quan chức năng của địa phương không có sự giám sát chặt chẽ.
Không chỉ tinh vi trong phương thức hoạt động mà hình thức chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, vì thế không đủ sức răn đe. Đại tá Trần Thanh Chàng, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Cần Thơ, thông tin: “Theo quy định của pháp luật hiện hành, xử lý hình sự một vụ khai thác cát trái phép là không thể vì chưa có văn bản hướng dẫn nên chúng tôi chỉ có thể bắt giữ, còn chuyển sang khởi tố là điều hết sức khó khăn. Ngoài ra, theo quy định, xử lý tang vật là phải tịch thu nhưng thực tế thông thường, cả gia đình, vợ chồng con cái đều sinh sống ở trên thuyền nên việc xử lý cũng không hề đơn giản, bởi còn là cuộc sống mưu sinh của người dân...”.
Bài và ảnh: THÚY AN