Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án khoa học cấp Bộ Tư pháp, là hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa việc triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 trong tình hình mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh, đội ngũ chuyên gia pháp lý người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực trí tuệ quý báu, góp phần nâng cao năng lực thể chế và khẳng định vị thế của nền tư pháp quốc gia. Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu cơ chế thống kê, kết nối và thu hút hiệu quả lực lượng này, nhất là trong bối cảnh các vấn đề pháp lý xuyên biên giới như: Thừa kế, quốc tịch, tương trợ tư pháp... ngày càng phức tạp.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) phát biểu khai mạc. 

Hội thảo gồm hai phiên làm việc, tập trung phân tích các vấn đề lý luận, thực tiễn và đề xuất chính sách cụ thể nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào. Các tham luận đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong thể chế, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, như: Đẩy mạnh cải cách hành chính điện tử, xây dựng mạng lưới kết nối toàn cầu, ưu đãi về quốc tịch, áp dụng chính sách minh bạch và cởi mở trong môi trường làm việc cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Các chuyên gia, học giả đã chỉ rõ sự cần thiết xây dựng chính sách thu hút chuyên gia pháp lý người Việt ở nước ngoài theo hướng nhất quán, dài hạn, phù hợp đặc điểm văn hóa và hệ thống pháp luật đa dạng. Các kinh nghiệm quốc tế từ Trung Quốc, Mỹ, Singapore... cũng được phân tích như những gợi ý hữu ích cho Việt Nam.

Theo PGS, TS Trần Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh: Các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối tri thức pháp lý hiện đại, thiết thực cho tiến trình cải cách thể chế. Với vai trò là cơ sở đào tạo pháp luật trọng điểm phía Nam, Nhà trường không chỉ tập trung nghiên cứu các mô hình chính sách phù hợp, mà còn duy trì kết nối chặt chẽ với mạng lưới cựu sinh viên đang công tác ở nước ngoài. 

Quang cảnh hội thảo. 

Để triển khai hiệu quả chiến lược này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý và cộng đồng chuyên gia trong và ngoài nước, nhằm hình thành mạng lưới tri thức mạnh mẽ, phục vụ công cuộc cải cách tư pháp và phát triển đất nước.

Tin, ảnh: KIỀU OANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.