Tham luận tại tọa đàm, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho rằng: “Dám nghĩ-dám làm-dám chịu trách nhiệm” là một quan điểm then chốt để vượt qua nỗi sợ hãi trong hoạt động điều hành doanh nghiệp. Nhờ đó mà Đèo Cả từ một hợp tác xã xây dựng đã dám mạnh dạn đề xuất thực hiện dự án hầm Đèo Cả rồi tiếp tục tháo gỡ nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông.

Dám làm những dự án khó

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, xuất phát từ lòng trắc ẩn khi còn là sinh viên đại học, tận mắt chứng kiến những tai nạn giao thông tang thương trên Đèo Cả đã hun đúc niềm tin, lòng kiên định sẽ thực hiện dự án hầm đường bộ Đèo Cả (nằm giữa tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa). "Với tầm nhìn, ý chí quyết tâm mãnh liệt dám “lấy ước mơ làm dũng khí” chúng tôi đã đưa dự án hoàn thành, không chỉ giải quyết vấn đề an toàn giao thông mà còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, kinh tế, văn hóa và xã hội đối với các tỉnh miền Trung nói riêng, đất nước ta nói chung", ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ.

Hầm đường bộ qua Đèo Cả, công trình cấp đặc biệt do Việt Nam thiết kế, thi công, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả là công trình hầm đường bộ cấp đặc biệt đầu tiên do người Việt thiết kế và thi công, các yêu cầu về mặt kỹ thuật rất phức tạp. Khi đề xuất dự án này, ông Hồ Minh Hoàng chỉ mới hơn 30 tuổi và một Đèo Cả còn rất non trẻ về cả tài chính, nguồn nhân lực và máy móc thiết bị. Nhiều người trong đó có lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ. Việc hoàn thành dự án khẳng định khả năng của người Việt, tinh thần Việt có thể chinh phục được việc khó.

Tiếp nối theo tư duy “dám nghĩ” đó Đèo Cả lại tiếp tục giải cứu các dự án bị đình trệ nhiều năm; mời người dân, các cơ quan thanh, kiểm tra, thậm chí cả cơ quan điều tra để nội soi chính mình; dám nghĩ những mô hình quản trị, mô hình đầu tư; dám đặt vấn đề với cơ quan có thẩm quyền như bộ, ngành, địa phương đồng thời đưa ra các kiến nghị để điều chỉnh cơ chế, chính sách… nhằm giải những bài toán khó tại các dự án bị đình trệ.

Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vốn bị đình trệ nhiều năm. Các nhà đầu tư cũ yếu kém về năng lực tài chính, năng lực thi công, thậm chí còn bị vướng vào vòng lao lý không thể triển khai. Khi được Chính phủ đã tin tưởng giao trách nhiệm, Đèo Cả đã ứng kinh phí trả nợ cho các nhà thầu bị nợ trước đó, thực hiện một loạt các biện pháp quản trị thi công, loại bỏ nhà đầu tư, nhà thầu yếu kém, xác định các mốc tiến độ của dự án để công khai cho người dân giám sát. Đến nay, việc thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn là một kỷ lục của ngành giao thông khi hoàn thành chỉ sau 2 năm thi công.

Lợi ích của đất nước, nhân dân là tối thượng

Tại các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2, Đèo Cả đã chủ động thực hiện chương trình cộng đồng giám sát. Định kỳ mời báo chí, các tổ chức đoàn thể tại địa phương đi thực tế thi công, công bố thông tin tiến độ, đồng thời nêu những vướng mắc để xác định trách nhiệm các bên tham gia.

Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo. Ảnh: NGUYỄN QUANG 

Từ thực tiễn trong quá trình triển khai dự án, trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết. Đèo Cả thực hiện kênh giám sát của cộng đồng, nêu rõ trách nhiệm của các bên để người dân cùng tham gia giám sát. Hoạt động này tạo được đánh giá rất cao, tạo ra sự đồng thuận lớn trong xã hội khi đã nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, không sợ khuyết điểm.

Ngoài ra, Đèo Cả tiên phong khi ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong triển khai dự án hạ tầng giao thông từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng nhằm hạn chế sự can thiệp, ý chí chủ quan, tiêu cực của con người để tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh chóng và chính xác.

Bên cạnh việc đó việc dám chịu trách nhiệm về tiến độ của dự án, chất lượng của công trình, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự xã hội cũng là điều đặt ra đối với các dự án mà Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Theo ông Hồ Minh Hoàng, “dám nghĩ-dám làm-dám chịu trách nhiệm” là một chuỗi từ suy nghĩ đến hành động thống nhất. Trước hết, phải lấy lợi ích của đất nước, nhân dân làm lợi ích tối thượng.

Lấy hiệu quả công việc làm thước đo chứng thực cho những ý tưởng táo bạo, để kiểm tra năng lực sáng tạo, từ đó tích lũy kinh nghiệm và không ngừng đổi mới. Không nản chí trước những thất bại và những rào cản, coi đó là một khâu trong quy trình đi đến thành công. Tập hợp được đội ngũ cộng sự nhiệt huyết, đồng cam, cộng khổ, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi. Vững vàng niềm tin vào lẽ phải, việc làm tốt sẽ luôn luôn được bảo vệ.

Để xã hội có nhiều người “dám nghĩ-dám làm-dám chịu trách nhiệm”, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, trọng dụng và có những hình thức khen thưởng kịp thời, giúp động viên, khích lệ, nhân rộng điển hình tốt.

BẢO LINH