Tham dự hội nghị có Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, lãnh đạo các sở, ngành và một số địa phương.

Theo thống kê năm 2019, trên địa bàn Thành phố có gần 108.000 người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả hầu hết 30/30 quận, huyện, thị xã (chiếm 1,3% dân số toàn thành phố); đồng bào các dân tộc thiểu số sống quần cư thành thôn ở 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, dân số trên 55.000 người.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị.

Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đảm bảo, đầy đủ kịp thời. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025) được triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số Thủ đô.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đã ưu tiên dành nguồn lực lớn với hơn 2.144 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Đến nay, đã bố trí hơn 1.172 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025 của Quốc hội (19/35 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu). Nổi bật, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt trên 97%, học sinh trung học cơ sở trên 95%... 

Phát biểu kết luận, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, công tác dân tộc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, luôn được Thành ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Ghi nhận nỗ lực, quyết tâm và sự cố gắng của UBND thành phố các sở, ban, ngành, UBND các địa phương, song Phó bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ rõ những hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là việc mặc dù những năm qua, thành phố đã quan tâm dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các huyện, tuy nhiên với điều kiện đặc thù xuất phát điểm thấp, xa trung tâm, hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, thu ngân sách còn thấp, việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao thu nhập bình quân đầu người của các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, nhất là Ba Vì cũng còn khó khăn.

Theo Phó bí thư Thường trực Thành ủy, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành các yêu cầu trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền về các mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các nghị quyết của Trung ương và Thành ủy Hà Nội, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, thành phố sẽ ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với 35 dự án mới của các huyện đề xuất, thành phố sẽ nghiên cứu đề xuất HĐND thành phố điều chỉnh, bổ sung, cập nhật vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư giai đoạn 2025-2030.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến giao Ban Dân tộc thành phố báo cáo đầy đủ các kiến nghị để UBND thành phố đề xuất với Trung ương, qua đó sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại chương trình.

THẾ TRUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.