Trước đó, việc thử nghiệm A-CDM lần 1 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã triển khai trong 1 tháng (từ ngày 26-3 đến ngày 30-4-2023), mỗi ngày áp dụng 4 tiếng chia làm hai khung giờ. Trong khung giờ áp dụng A-CDM, hơn 3.000 lượt chuyến bay đã cất, hạ cánh an toàn. Trong đợt đầu triển khai, mô hình A-CDM tại Nội Bài đã được áp dụng với nhiều tình huống và điều kiện khai thác thực tế khác nhau từ bình thường cho đến các tình huống bất thường (máy bay bị trục trặc kỹ thuật, thời tiết bất lợi...)
Kết quả của đợt đầu cho thấy, độ tuân thủ thời gian rời vị trí của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm trung bình đạt 98%. Tỷ lệ này cho biết trạng thái thực tế máy bay sẵn sàng để rời khỏi vị trí đỗ đạt gần như tuyệt đối, cho thấy được mức độ chính xác, kịp thời trong công tác phục vụ cho một chuyến bay của đơn vị phục vụ mặt đất và hãng hàng không dựa trên kế hoạch đã được đưa ra trước đó.
 |
Trung tâm AOCC (điều phối, khai thác) tại Nội Bài, nơi kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu. Ảnh: NIA
|
Thứ hai, độ tuân thủ thời gian cho phép nổ máy của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm trung bình đạt 95%. Chỉ số này cho thấy mức độ tuân thủ giờ cho phép nổ máy theo trình tự khởi hành cũng như việc xin cấp huấn lệnh của tổ lái được tuân thủ nghiêm túc và chính xác.
Thứ ba, chỉ số thời gian lăn của máy bay giảm so với trung bình năm 2022. Cụ thể, thời gian lăn ra đường băng để cất cánh của máy bay trong khung giờ thử nghiệm tại Nội Bài đạt 13 phút, giảm 3 phút so với trung bình năm 2022. Thời gian từ thời điểm máy bay hạ cánh trên đường băng và lăn vào vị trí đỗ trung bình đạt 7 phút, giảm 1 phút so với trước khi thử nghiệm.
Việc giảm thời gian lăn của máy bay sẽ giúp giảm thời gian chiếm dụng đường lăn và tối ưu hóa sử dụng hạ tầng tại cảng hàng không, đồng thời, giảm chi phí cho các hãng hàng không. Theo tính toán sơ bộ của các hãng hàng không nội địa, mỗi phút tiết kiệm thời gian lăn sẽ tương ứng với số nhiên liệu tiết kiệm được và quy đổi chi phí như sau: Với loại máy bay A350 tiết kiệm được 25kg nhiên liệu/1 phút tương đương khoảng 127 USD cho mỗi phút giảm thời gian lăn.
Với loại máy bay B787 tiết kiệm được 20kg nhiên liệu/1 phút, tương đương khoảng 122 USD. Máy bay A321 tiết kiệm được 13,5kg nhiên liệu/1 phút, tương đương khoảng 68 USD; máy bay ATR72 tiết kiệm được 13,5kg nhiên liệu/1 phút, tương đương khoảng 19 USD.
 |
Hội thảo về đào tạo, huấn luyện mô hình A-CDM của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: NIA |
Đặc biệt, với việc áp dụng A-CDM, hành khách sẽ có những trải nghiệm tốt hơn, do máy bay giảm thời gian lăn, thời gian dừng chờ… Đồng thời, công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay sẽ tốt hơn do các chuyến bay được lập kế hoạch tốt, có thông tin rõ ràng, được tối ưu hóa các khâu trong quá trình khai thác.
Theo quyết định của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ tiếp tục triển khai thử nghiệm khai thác thực tế mô hình A-CDM lần 2 từ ngày 25-7 đến ngày 31-10-2023. Thời gian thử nghiệm chia làm 2 giai đoạn được áp dụng cho tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế đi/đến cảng. Giai đoạn 1 áp dụng 8 tiếng mỗi ngày, từ 8 giờ đến 16 giờ ngày 25-7 đến 31-8-2023. Giai đoạn 2 áp dụng 12 tiếng mỗi ngày, từ 8 giờ đến 20 giờ ngày 1-9 đến 31-10-2023.
MẠNH HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.