Thời gian đóng góp ý kiến đến ngày 20-8-2025. Các ý kiến tham gia đóng góp bằng văn bản gửi về Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Binh chủng Công binh tại địa chỉ: Thôn 2, xã Yên Xuân, TP Hà Nội; email: office504.uxo@gmail.com; điện thoại: 033.920.6574 trước ngày 21-8-2025; hoặc về Bộ Quốc phòng qua email: info@mod.gov.vn.

5,54 triệu héc-ta đất nhiễm bom mìn, vật nổ

Theo dự thảo tờ trình kèm theo hồ sơ, thực trạng hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở nước ta còn rất nghiêm trọng. Tính đến tháng 6-2025, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn khoảng 5,54 triệu héc-ta, chiếm 16,92% diện tích cả nước.

Bom mìn, vật nổ cùng với chất độc hóa học đã hủy hoại, gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường, thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người, tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội. Phần lớn những vùng bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ nặng không thu hút được đầu tư sản xuất kinh doanh, kinh tế kém phát triển.

Thống kê từ năm 2006 đến 2025, bên cạnh việc phát hiện bom mìn, vật nổ thông qua hoạt động điều tra, khảo sát, rà phá của cơ quan chức năng, người dân trên cả nước liên tục phát hiện bom mìn, vật nổ, đặc biệt là các loại bom đạn, vật nổ rất nguy hiểm với tính sát thương cao (bom M117, MK81, MK82, bom bi, đạn pháo, đạn cối, đạn M79) trong sinh hoạt, sản xuất, xây dựng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Tính từ năm 1964 (đối với miền Bắc) và từ năm 1975 (trên cả nước) đến nay, bom mìn, vật nổ sau chiến tranh đã làm hơn 42.100 người chết, 62.100 người bị thương.

Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 tổ chức thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ảnh: qdnd.vn

Pháp luật về khắc phục hậu quả bom mìn còn bất cập

Theo Dự thảo tờ trình chính sách của dự án Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, hiện có 36 văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, gồm: Hiến pháp, 2 bộ luật, 20 luật, 1 pháp lệnh, 4 nghị định, 1 quyết định, 7 thông tư.

Văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng về hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh có hiệu lực cao nhất là Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 18/2019/NĐ-CP, văn bản quy phạm pháp luật liên quan và trên thực tế còn bộc lộ rõ các hạn chế, bất cập.

Các khoảng trống pháp lý làm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước, hạn chế phát triển kinh tế-xã hội khu vực ô nhiễm.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin, phản ánh, thông báo khi phát hiện nguy cơ, sự cố tai nạn bom mìn, vật nổ và đề nghị hỗ trợ phát triển kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Điều này dễ khiến người dân hoang mang, không an tâm khi sống trên mảnh đất tiềm ẩn nguy hiểm, dẫn đến mất ổn định đời sống, việc làm, hệ lụy kéo theo là có thể làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, nảy sinh các tệ nạn xã hội.

Vai trò giáo dục phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân đối với hiểm họa bom mìn, vật nổ cũng chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác huy động, quản lý và điều phối nguồn lực của Trung ương và địa phương bảo đảm cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã đạt một số kết quả quan trọng song chưa đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm, việc huy động nguồn lực quốc tế còn hạn chế.

Việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh còn thiếu tính ổn định, bền vững. Chế độ, chính sách dành cho các lực lượng đang có sự chênh lệch đáng kể; chưa tương xứng với mức độ khó khăn, nguy hiểm của nhiệm vụ; chưa thể hiện công bằng xã hội và sự ưu đãi, quan tâm của Nhà nước.

Thực tiễn cũng cho thấy, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ y tế ban đầu đối với nạn nhân bom mìn, vật nổ khi xảy ra tai nạn, giúp các nạn nhân điều trị, phục hồi chức năng, tái hòa nhập cộng đồng và phát triển. Nhiều trường hợp nạn nhân bom mìn, vật nổ thuộc diện kinh tế khó khăn, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa phải dựa chủ yếu vào hỗ trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân.

Việc xây dựng chính sách của dự án Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh nhằm tạo môi trường sống an toàn cho người dân; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của tổ chức, cơ quan nhà nước; bảo đảm an sinh xã hội cho người dân; tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, xác định cụ thể các quy định của pháp luật về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh như: Tổ chức quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; tiêu chí an toàn bom mìn, vật nổ; các biện pháp bảo vệ người dân trước các nguy cơ, tác động do bom mìn, vật nổ gây ra; huy động nguồn lực thực hiện; chính sách đối với lực lượng thực hiện khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; chính sách đối với nạn nhân bom mìn, vật nổ.

Ngoài ra còn tăng cường hiệu lực quản lý, giám sát của Nhà nước trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; phân công trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý, điều hành, triển khai hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm an toàn cho người dân sống tại các khu vực ô nhiễm bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ hòa nhập vào đời sống xã hội.

QĐND

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.