Bom mìn - kẻ giết người ẩn mình dưới lòng đất
Trong buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh do Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mới đây, tiểu phẩm “Phát hiện bom mìn-Tránh xa bạn nhé!” do đội tuyên truyền măng non Trường THCS Đồng Lộc thực hiện đã mang lại nhiều cảm xúc cho những người có mặt tại hội trường UBND huyện Can Lộc.
Tiểu phẩm kể về một nhóm 3 học sinh nam chơi đá bóng, mồ hôi nhễ nhại nên muốn ra ao để tắm. Nhưng 3 bạn gái ngồi ôn bài gần đó đã ngăn cản vì ở ao cắm biển nguy hiểm do nghi ngờ còn có bom mìn sót lại sau chiến tranh. Sự xuất hiện của một nữ dân quân, những câu đố của chị với ba nam sinh về mối nguy hiểm của từng loại bom mìn, cách nhận diện và phòng tránh bom mìn khi gặp phải cùng những lời giải thích và hình ảnh minh họa sinh động thu hút sự chú ý khán giả.
 |
Tiểu phẩm “Phát hiện bom mìn-Tránh xa bạn nhé!” do đội tuyên truyền măng non Trường THCS Đồng Lộc thực hiện.
|
Trong khi đó, bài hùng biện với chủ đề “Hậu quả bom mìn và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong phòng, tránh bom mìn sau chiến tranh” của nữ sinh Gia Ngân, Trường THCS Phúc Trạch (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã nhận được những tràng vỗ tay không ngớt từ khán giả trong hội trường UBND huyện Hương Khê. Với giọng nói truyền cảm, rõ ràng, Gia Ngân đã thông tin tới khán giả về tình trạng bom mìn - kẻ giết người ẩn mình dưới lòng đất, cũng như những nỗi đau bom mìn vẫn còn hiện hữu sau chiến tranh. Theo thống kê, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 2.000 người bị tai nạn bom mìn, trong đó có gần một nửa bị thiệt mạng. Chỉ riêng huyện Hương Khê đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm, để lại hậu quả nặng nề về thể xác và tinh thần. “Ở xã Phúc Trạch, một học sinh vì tò mò đã nhặt đạn mang về nhà, sau đó tự ý cưa đạn để lấy thuốc, dẫn đến vụ nổ. Em học sinh bị thương nặng ở tay, để lại thương tật vĩnh viễn khi tuổi đời còn rất trẻ”, giọng Gia Ngân như nghẹn lại.
 |
Phần hùng biện của em Gia Ngân, Trường THCS Phúc Trạch. |
 |
Phần thi tìm hiểu và phòng tránh tai nạn bom mìn của học sinh Trường THCS Phúc Trạch và Trường THCS Chu Văn An, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. |
Hậu quả bom mìn không chỉ dừng lại ở con số thương vong. Đó là nỗi ám ảnh dai dẳng, sự mất mát, tan biến giấc mơ học hành, cuộc sống mưu sinh dang dở, đất canh tác bị bỏ hoang, làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội... Những vùng đất chưa được rà phá trở thành nỗi lo thường trực cho người dân mỗi khi đi rừng, làm rẫy hay thậm chí là chơi ở bãi đất trống.
Vậy học sinh phải làm gì để bảo vệ bản thân và cộng đồng? Theo nữ sinh Trường THCS Phúc Trạch, trước hết, học sinh cần trang bị đầy đủ kiến thức về nhận diện bom mìn, hiểu rõ sự nguy hiểm của các loại bom mìn; tuyệt đối không tò mò, không tiếp xúc và xử lý bất kỳ vật nổ nguy hiểm như bom, mìn, đạn; quan trọng hơn, mỗi học sinh cần là một tuyên truyền viên măng non, góp phần nâng cao nhận thức bản thân, bạn bè, người thân. Thông điệp “Phòng tránh tai nạn bom mìn, đó là cách chúng ta viết tiếp hòa bình” mà Gia Ngân đưa ra đã nhận được sự hưởng ứng của người dân, học sinh, đặc biệt là của những nạn nhân bị tai nạn bom mìn, có mặt trong hội trường.
Phát huy vai trò tuyên truyền viên măng non
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Tiến Dũng, trong những năm chiến tranh, Can Lộc là trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, trong đó có thể kể đến Ngã ba Đồng Lộc-nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh khi đang tránh bom trong hầm trú ẩn. Hiện nay, lượng bom mìn, vật nổ các loại còn sót lại trong lòng đất vẫn còn rất nhiều. Hằng năm, trong quá trình lao động sản xuất và xây dựng các công trình dân sinh, nhân dân vẫn phát hiện nhiều loại bom, đạn pháo, đạn cối các loại phải xử lý. Qua kết quả điều tra, khảo sát của Bộ tư lệnh Công binh, tại địa bàn huyện Can Lộc có 17/17 xã, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; diện tích ô nhiễm toàn huyện chiếm 38,8%. Kể từ sau chiến tranh đến nay, toàn huyện có 36 nạn nhân bom mìn, trong đó 15 người chết, 21 người bị thương.
 |
Học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) trả lời câu hỏi kiến thức về phòng tránh bom mìn. |
Trong những năm qua, UBND huyện đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phòng tránh bom mìn và khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sâu rộng trên toàn huyện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận nhân dân về tác hại của bom mìn, vật nổ còn thấp, còn chủ quan; trong quá trình lao động sản xuất vẫn còn xảy ra tai nạn bom mìn, làm thương vong cho người dân. Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng phòng tránh bom mìn là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là thế hệ trẻ.
 |
Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường THCS Đồng Lộc. |
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Phó chủ tịch Quỹ Hoa hòa bình cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế cho một số nạn nhân bom mìn giúp họ vượt lên thoát nghèo bền vững, tái hòa nhập cộng đồng, thì việc tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ về hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn bom mìn, giảm thiểu tới mức thấp nhất tai nạn bom mìn, vật nổ có thể xảy ra.
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa đặc biệt nhấn mạnh hiệu quả của việc tuyên truyền thông qua hệ thống trường học, bởi các em học sinh chính là những tuyên truyền viên măng non tích cực, góp phần truyền tải cách phòng tránh bom mìn ngay trong gia đình của mình, tới người thân và lan tỏa trong cộng đồng. Tất cả vì một thế giới không có bom mìn, vì một Việt Nam bình yên và sự phát triển bền vững.
Bài và ảnh: LINH OANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.