leftcenterrightdel
Khu vực cầu Phong Châu bị sập. 

Theo đó, để bảo đảm việc bắc cầu phao Phong Châu diễn ra chặt chẽ, đúng tiến độ và an toàn tuyệt đối cho con người cùng trang thiết bị, Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) đề nghị người dân không tụ tập đông người, ghi hình, quay phim... gây cản trở cho việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị.

Dự kiến, cầu phao sẽ được đưa vào hoạt động từ 6 giờ đến 20 giờ mỗi ngày. Lực lượng công an địa phương sẽ được huy động để phân luồng giao thông, đồng thời kiểm soát tải trọng của các phương tiện lưu thông qua cầu, bảo đảm không vượt quá 10 tấn; lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy cũng sẽ được tăng cường để giám sát và bảo đảm an toàn giao thông trên sông Thao trong quá trình thi công và vận hành cầu.

Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I đã đề xuất phương án đóng, mở cầu phao Phong Châu. Tùy thuộc vào nhu cầu giao thông, số lần đóng, mở cầu có thể linh hoạt điều chỉnh. Theo thống kê từ cơ quan chức năng, luồng giao thông thủy tại khu vực này không lớn, trung bình chỉ có khoảng 120 lượt phương tiện mỗi tháng, chủ yếu là các tàu vận chuyển vật liệu xây dựng hoặc đánh bắt thủy sản với trọng tải lên đến 300 tấn.

Sau sự cố sập cầu Phong Châu ngày 9-9, cơ quan chức năng đã cấm luồng đường thủy tại khu vực và triển khai các biện pháp cảnh báo an toàn. Hiện nay, Lữ đoàn Công binh 249 đã hoàn thành công tác chuẩn bị, đồng thời thả một số đốt phao để phục vụ khảo sát mực nước và dòng chảy. Khi các điều kiện thuận lợi, việc lắp đặt cầu phao sẽ được triển khai để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Cầu Phong Châu nối liền hai huyện Tam Nông và Lâm Thao. Từ khi cầu sập, người dân phải đi xa gần 40km, gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

Tin, ảnh: HOÀNG VIỆT

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.