Tại TP Đà Nẵng mưa rất to; người dân ra đường thưa dần. Các chợ truyền thống đóng cửa. Người lao động nghỉ làm. Phía nam bán đảo Sơn Trà đã bắt đầu có gió giật mạnh. Đây là khu vực sẽ đón bão đầu tiên ở Đà Nẵng.
 |
Mưa tại Đà Nẵng ngày càng nặng hạt, gió cũng mạnh lên. Ảnh: Vov.vn |
Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết, 20 giờ tối nay, chính quyền yêu cầu tất cả người dân không ra khỏi nhà, trừ lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống bão. Việc này thực hiện theo Luật Phòng, chống thiên tai. Sở Giao thông vận tải sẽ chuyển phù hiệu đến lực lượng chức năng để kiểm soát việc ra đường.
* Tại Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gió giật cấp 11. Hồi 15 giờ, Quảng Ngãi có gió lớn, sóng biển mạnh. Đặc biệt ở huyện Lý Sơn, nơi đầu tiên bão Noru vào trước khi tới đất liền, gió cấp 8, có lúc giật cấp 11, biển động dữ dội. Theo kế hoạch đến trưa 27-9, tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn tất công tác di dời dân các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nơi dự kiến tâm bão đi qua, từ khoảng 10 giờ, người dân bắt đầu vào các khu tránh trú bão như nhà nghỉ Vạn tường của Bộ Công an, trường mẫu giáo thôn Phước Thiện.
 |
Sóng biển dâng cao ở đảo Lý Sơn, chiều 27-9. Ảnh: Vnexpress.net |
* Tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, trời mưa nặng hạt, gió nhẹ. Đường sá vắng người qua lại, những ngôi nhà cấp bốn đóng kín, người dân đi sơ tán. Trên một số tuyến đường, công nhân môi trường nhanh chóng cắt tỉa cành cây trước khi bão vào. Vùng biển xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, sóng cao hơn một mét. Ghe thuyền được đưa lên cao và chằng néo.
Đến nay, Quảng Nam có hơn gần 46.000 hộ dân với hơn 155.000 người dân được di dời. Trong đó, sơ tán tập trung hơn 18.000 hộ với hơn 67.000 người; sơ tán xen ghép hơn 27.000 hộ với hơn 87.000 người. Công an, quân sự, biên phòng, dân quân được huy động với hơn 13.000 người, cùng với gần 12.000 thanh niên xung kích sẵn sàng tham gia phòng chống bão lũ.
* Chiều 27-9, tại âu tàu thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. UBND xã Tam Quang phối hợp với BTL Vùng Cảnh sát biển 2, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã tiến hành tuyên truyền, vận động và kiên quyết đưa hơn 20 ngư dân trên các tàu cá của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đang tránh trú bão tại đây vào bờ tránh bão số 4.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 23 sơn tán dân xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tránh bão. |
 |
Trạm 2 cảnh sát biển cùng với các lực lượng chuẩn bị vật chất phòng, chống bão số 4 trên đảo Lý Sơn. |
 |
Tàu của BTL Vùng CSB 2 xuất phát thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 4, cứu hộ cứu nạn trên biển. |
* Tại Thừa Thiên Huế đóng cửa chợ, công nhân làm ca ở lại nhà máy. Nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, Thừa Thiên Huế từ 9 giờ đã có mưa, gió mạnh dần. Tại cửa biển Thuận An, xã Hải Dương, TP Huế, sóng bắt đầu tràn bờ đê chắn sóng. Dự báo, bão đổ bộ kết hợp với triều cường có thể làm nước biển dâng cao 1,8m, gây ngập phần lớn khu dân cư ven biển.
 |
Tại Huế, bão Noru mưa ở đây bắt đầu nặng hạt, gió cuốn bay một số mái tôn của nhà dân. Ảnh: Vov.vn
|
Để phòng chống bão Noru, tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán vào từ 15 giờ ngày 27-9. Các chủ doanh nghiệp có phương án bố trí ca, kíp làm việc đảm bảo an toàn cho công nhân trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp khi có gió bão, công nhân đi làm ca chiều, tối ngày 27-9 ở lại tại nhà máy để đảm bảo an toàn.
Người dân không được ra đường từ 21 giờ ngày 27-9 đến khi có thông báo mới (trừ lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt). Việc sơ tán dân hoàn thành trước 15 giờ ngày 27-9, ưu tiên sơ tán trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo. Với những hộ dân không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
THANH HẢI