Một cuộc chiến thời bình
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cần. Trong đó, các nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh phi truyền thống ngày càng được đặt ra một cách cấp thiết và đa dạng. Công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả các thảm họa là một dạng bảo đảm an ninh phi truyền thống như vậy, là nhiệm vụ mà Quân đội ta đã thực hiện rất xuất sắc trong suốt những năm qua.
Qua hai đợt chống dịch Covid-19, có thể thấy vai trò hàng đầu của Quân đội ta trong công tác này. Không chỉ bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để dịch lây lan đến bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào mà quân đội còn là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch (PCD) của quốc gia. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, những nơi nào gian khổ nhất, những nhiệm vụ nào khó khăn nhất, quân đội đều có mặt và hoàn thành xuất sắc. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác định nhiệm vụ PCD là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian này, là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình, trong bất luận tình huống nào, quân đội cũng sẵn sàng đi đầu.
Ngay từ rất sớm, khi tâm dịch là ở TP Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc), Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là lực lượng quân y toàn quân đã xác định đây là dịch bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, cần có sự chuẩn bị ứng phó gấp với đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt. Ngày 4-3, vào thời điểm dịch bệnh bắt đầu lan ra nhiều nước trên thế giới, Bộ Quốc phòng đã tổ chức diễn tập PCD Covid-19 toàn quân theo hình thức trực tuyến tại 224 điểm cầu. Đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tại cuộc diễn tập này, các đơn vị đã thực hiện những nội dung thực hành theo 5 cấp độ PCD. Cấp độ 5 là khi dịch lây lan trong cộng đồng với từ hơn 3.000 đến 30.000 người mắc bệnh và đã lây lan vào một số đơn vị quân đội. Các lực lượng tham gia đã thực hành các nội dung từ dồn dịch nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội để bố trí doanh trại tiếp nhận công dân cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe; triển khai bệnh viện truyền nhiễm dã chiến để thu dung, điều trị cho các bệnh nhân; phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nguy hiểm… Qua đợt diễn tập này, nhân dân cảm thấy yên lòng phần nào khi những tình huống dịch bệnh phát tán rất nguy hiểm đã được tính toán và thực hành cách ứng phó.
 |
Công dân cách ly tập trung được chăm sóc chu đáo. Ảnh: VĂN HẠNH
|
Nhường cơm, sẻ áo cho nhân dân
Một trong những yêu cầu để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 là phải tổ chức cách ly triệt để, vì chỉ cần một người nhiễm virus xuất hiện trong đám đông thì sẽ tạo ra thảm họa vì sự lây lan theo cấp số nhân. Thế nhưng để có đủ cơ sở vật chất nhằm tổ chức cách ly tập trung là điều hết sức nan giải, vì vừa phải lo nơi ăn, chốn nghỉ, bảo đảm sức khỏe cho người cách ly, vừa bảo đảm nghiêm yêu cầu an ninh, an toàn phòng dịch. Người từ nước ngoài trở về thuộc diện cách ly lên tới hàng vạn người. Lấy đâu ra cơ sở, nhân lực để bảo đảm yêu cầu trên? Và quân đội đã được giao đảm trách nhiệm vụ này.
Thời gian đầu, do lượng người thực hiện cách ly đông, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã nhường doanh trại của mình cho đồng bào. Mọi yêu cầu về PCD luôn theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế, từ khoảng cách kê giường an toàn, vệ sinh, đến khử trùng, khử khuẩn. Tiêu chuẩn ăn của công dân cách ly được các đơn vị quân đội bảo đảm hơn tiêu chuẩn bộ binh. Nhân dân đến cách ly được bảo đảm chu đáo, miễn phí, không phải lo gì cả. Ông Võ Hồng Hoàng ở tỉnh Nghệ An, sinh sống và làm việc tại Anh, về nước và thực hiện cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Đồng Tháp rất xúc động khi được bộ đội chăm sóc tận tình, chu đáo không khác gì đối với người thân trong gia đình. Ông nói: “Để chăm lo cho công dân cách ly, các anh phải thức dậy từ rất sớm chuẩn bị cơm nước, rồi xịt khử trùng khu cách ly, chăm sóc y tế cho mọi người... Nhiều anh em cả tháng nay chưa được về nhà”.
Đúng như cảm nhận của người dân, công tác phục vụ cách ly rất gian khổ. Người dân chỉ cách ly 14 ngày nhưng người phục vụ phải tiếp tục cách ly sau đó và lại tiếp tục phục vụ những công dân đến sau. Sức người thì có hạn, từ sáng sớm bộ đội đã dậy để chuẩn bị cơm nước đủ ba bữa cho nhân dân, rồi phục vụ từng nhu cầu của người dân như đi mua hộ sim điện thoại hay tìm sữa nóng cho trẻ vào ban đêm... Các cán bộ, chiến sĩ phục vụ trong khu vực cách ly cống hiến âm thầm, tận tụy, ân cần và đầy trách nhiệm. Suốt từ đầu dịch tới nay, toàn quân đã triển khai 159 điểm cách ly, với tổng số người cách ly là hơn 68.300 người, trong đó đã có hơn 63.400 người hết thời gian cách ly. Do công tác cách ly tập trung được thực hiện rất tốt, để lại ấn tượng đẹp đã tạo ra tâm thế thoải mái cho công dân khi phải cách ly, khiến họ thực hiện cách ly nghiêm túc, là yếu tố quan trọng ngăn chặn đà lây lan của dịch.
Nén nỗi đau để hoàn thành nhiệm vụ
Để PCD thì dứt khoát phải ngăn chặn được các con đường lây lan của dịch bệnh. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là phải kiểm soát các đối tượng vượt biên trái phép, nếu để họ mang nguồn lây nhiễm lọt vào cộng đồng sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phải căng mình để thực hiện nhiệm vụ. Khoảng 1.700 tổ, chốt được lập ở tất cả đường mòn, lối mở suốt tuyến biên giới trên bộ, ngăn chặn, kiểm soát tuyệt đối những người qua lại biên giới. Cán bộ, chiến sĩ nhận nhiệm vụ là lên đường ngay, đến ngay vị trí trực ở đường biên, nếu không kịp dựng lều thì đành trú tạm dưới tán cây.
Dịp cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi lên chốt của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (BĐBP tỉnh Lào Cai) chứng kiến những khó khăn, vất vả của anh em cán bộ, chiến sĩ nơi đây khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát PCD Covid-19. Anh em ngủ nghỉ trong lán được dựng ngay trên sườn núi cheo leo, chỉ cần một trận gió to cũng có thể cuốn phăng cả căn lều xuống vực. Cả chốt lúc nào cũng phải tập trung quan sát, nghe ngóng mọi động tĩnh từ phía cột mốc biên giới. Thượng úy Đỗ Duy Trường, phụ trách chốt cho hay, đêm đến, anh em dù đã thay nhau gác nhưng chẳng ai có giấc ngủ ngon, chỉ cần có tiếng động ở phía cột mốc, ánh đèn pin loang loáng ở đâu đó là tất cả lại thức giấc. "Anh em ở chốt đều hiểu rằng, nếu để một trường hợp mang mầm bệnh từ bên kia biên giới vào nội địa sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc chiến chống dịch của địa phương và đất nước, vì thế nên chúng tôi lúc nào cũng đề cao cảnh giác", Thượng úy Đỗ Duy Trường nói.
Cũng vì nhiệm vụ chống dịch Covid-19 nên hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ BĐBP từ Tết đến nay chưa được về nhà. Nhiều người phải hoãn cưới, không ít người bố mẹ đau ốm không thể về thăm nom, khi bố mẹ mất cũng không thể về lo việc hiếu, đành phải thắp hương bái vọng từ xa vì đang phải thực hiện nhiệm vụ Tổ quốc giao. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến ngày 28-5, 100% cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn bám đường biên làm nhiệm vụ ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập. Chính những sự hy sinh thầm lặng, sự chịu đựng gian lao, dầm sương dãi nắng ấy của BĐBP mà nguy cơ dịch bệnh tràn qua biên giới đã được ngăn chặn.
Và những thành tựu nổi bật
Để chống dịch Covid-19 hiệu quả thì xét nghiệm người nghi nhiễm trên diện rộng là rất cần thiết. Nhưng khi cả thế giới đều bị dịch tàn phá, đe dọa, trang thiết bị y tế khan hiếm thì để mua được đủ các bộ kit xét nghiệm là không dễ. Do đó, Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã nghiên cứu thành công bộ kit thử có thể ứng dụng trong chẩn đoán chủng virus SARS-CoV-2, tác nhân gây ra dịch Covid-19. Bộ kit này có độ nhạy, đặc hiệu, tính ổn định, bảo đảm chất lượng tương đương các bộ kit nhập khẩu mà giá lại thấp hơn nhiều. Đặc biệt, bộ kit này được nghiên cứu phát triển thần tốc, chỉ trong vòng một tháng đã cho ra sản phẩm. Có thể nói đây là đóng góp quan trọng, rất kịp thời của quân đội, tạo ra sự tự chủ của Việt Nam trong khâu xét nghiệm Covid-19.
Bên cạnh đó, quân đội còn thực hiện nhiệm vụ tiêu độc, khử trùng những khu vực có nguy cơ lây lan Covid-19 cao. Vừa qua, Binh chủng Hóa học đã triển khai lực lượng và phương tiện chuyên dụng tiến hành phun hóa chất, tiêu tẩy, khử khuẩn khu vực các phố: Trúc Bạch, Châu Long, Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình), Bệnh viện Bạch Mai ở TP Hà Nội... Hình ảnh những chiếc xe chuyên dụng của bộ đội hóa học phun khử khuẩn kỹ lưỡng đã mang lại sự yên tâm rất lớn cho nhân dân.
Các tổ đội y tế của quân đội luôn sẵn sàng cùng với cả nước trong xét nghiệm, sàng lọc, điều trị. Cả nước có 45 tổ, đội y tế cơ động thì quân đội chiếm 20. Lực lượng này được tập huấn đầy đủ, ý thức trách nhiệm cao. Hình ảnh của bác sĩ quân đội, cán bộ quân đội trong những vùng tâm dịch đã mang niềm tin rất lớn, tạo ra sự vững vàng tâm lý cho người dân. Ví dụ, tổ cơ động y tế của Quân khu 2 được cử tới ở xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)-nơi đầu tiên bị cách ly bởi Covid-19-hoạt động rất tích cực, hỗ trợ kịp thời cho ngành y tế địa phương.
Bên cạnh đó, các lực lượng của quân đội đã làm tốt công tác tuyên truyền cũng như đấu tranh chống thông tin xấu độc, đấu tranh với thông tin xuyên tạc trên internet về chính sách của Đảng, Nhà nước trong PCD Covid-19. Do đó, đại dịch Covid-19 đã càng làm xã hội hiểu rõ hơn về vai trò trụ cột của quân đội với mọi nhiệm vụ liên quan tới quốc phòng, an ninh, an toàn quốc gia. Toàn xã hội thấy rõ nơi nào khó khăn nhất đều có quân đội. Quân đội ta vì nhân dân phục vụ tận tụy, không đòi hỏi. Phẩm chất ấy khiến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn sáng đẹp trong lòng nhân dân.
Ghi nhận tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ quân đội để PCD Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Đó chính là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân quên mình; thể hiện vai trò của quân đội trong lúc dịch bệnh, tạo niềm tin cho nhân dân".
Việt Nam hơn 40 ngày không có dịch Covid-19 trong cộng đồng, không có bệnh nhân tử vong. Đây là thành tựu rất lớn, là niềm tự hào của tất cả chúng ta. Qua hai đợt chống dịch thắng lợi, chúng ta thêm tự tin vào bản lĩnh và nội lực của Việt Nam. Bản lĩnh đó, nội lực đó là nền tảng để chúng ta luôn đứng vững, vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 toàn cầu cũng như nhiều thách thức cam go khác, để phát triển, trường tồn.
GIA MINH - QUANG PHƯƠNG - CHIẾN THẮNG - CÙ HƯƠNG - VŨ DUNG