Luôn chủ động trong mọi vấn đề, mọi tình huống

Cha đẻ của học thuyết tiến hóa-Charles Darwin cho rằng: “Không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, cũng không phải là loài thông minh nhất, mà là loài thích ứng nhanh nhất với sự thay đổi”. Thích ứng với hoàn cảnh là một phẩm chất của người Việt Nam. Đại dịch Covid-19 diễn ra hết sức bất ngờ, là một thách thức lớn mà nhân loại chưa hề có kịch bản ứng phó, nhưng Việt Nam đã không hề bị động, lúng túng. 

Ngay khi xuất hiện thông tin dịch Covid-19 có dấu hiệu lây lan từ người sang người, Việt Nam đã chỉ đạo ngành y tế nắm thông tin, tham khảo kinh nghiệm phòng, chống dịch (PCD) của Trung Quốc và chủ động xây dựng các kịch bản sát với tình hình thực tế và luôn sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất. Các biện pháp khai báo y tế, cách ly tập trung, khoanh vùng, dập dịch, truy vết người nghi nhiễm virus được đề xuất ngay từ đầu và được thực hiện đồng bộ, kiên quyết nên dịch bệnh không lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế không bị quá tải. Một điều không phải ai cũng biết là ngay từ tháng 2-2020, khi tình hình dịch bệnh còn hết sức phức tạp, khó lường thì trong cuộc họp Chính phủ, các thành viên đã tính toán, với sự chủ động phòng, chống, thời điểm nước ta cắt đứt được sự lây lan của dịch bệnh có thể vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020. Thực tế hiện nay đã chứng minh tính toán này là rất chính xác! 

Trên mặt trận tư tưởng, các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, bao gồm cả loa truyền thanh cấp xã, cấp thôn, liên tục tuyên truyền về dịch bệnh, cơ chế lây nhiễm của virus và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền về công tác PCD. Bài hát “Ghen Cô Vy” của nhạc sĩ Khắc Hưng qua phần biểu diễn của hai ca sĩ trẻ Min và Erik, kết hợp với “Vũ điệu rửa tay” của vũ công Quang Đăng hướng dẫn cách rửa tay PCD Covid-19 nhanh chóng nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trở thành một hiện tượng âm nhạc toàn cầu. Bài hát cho thấy một tinh thần chủ động, tập trung cao độ nhưng với sự lạc quan của con người Việt Nam, xã hội Việt Nam trong việc chống dịch Covid-19. Rất ít người biết rằng, đây là một trong số các bài hát mà Bộ Y tế đặt hàng các nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tác phục vụ tuyên truyền PCD. Nhận xét về bài hát này, Tạp chí Stern của Đức viết: "Việt Nam đã cho thấy, nhờ sự sáng tạo mà thông tin về sự lây lan của virus Corona có thể được cung cấp, không đánh giá thấp sự nguy hiểm. Bài hát mô tả các phương pháp mà xã hội có thể tự bảo vệ dễ dàng và hiệu quả chống lại sự lây lan của virus Corona”. Cảm hứng từ bài hát này tạo ra một phong trào sáng tác thơ ca tuyên truyền chống dịch, thu hút công chúng, nâng cao hiệu quả truyền thông.

Ngành y tế Việt Nam đã chủ động xét nghiệm diện rộng để phát hiện sớm người nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: THU TRANG.

Bên cạnh việc chủ động cung cấp thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời về dịch bệnh, các cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi tung tin giả về dịch bệnh, không để nạn tin giả hoành hành làm nhân dân hoang mang, ảnh hưởng tới hiệu quả chung của cuộc chiến PCD. Nhiều gương người tốt, việc tốt trong PCD được các phương tiện truyền thông phản ánh, biểu dương, các cơ quan nhà nước khen thưởng kịp thời, có giá trị khích lệ, lan tỏa mạnh mẽ. Do tuyên truyền tốt như vậy nên chúng ta tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội trong PCD. 

Sự chủ động của Việt Nam còn thể hiện ở chỗ suốt từ đầu dịch tới nay, Việt Nam luôn áp dụng các biện pháp PCD cao hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các biện pháp cách ly tập trung đối với người về từ vùng dịch, chủ động truy vết, khoanh vùng, dập dịch cho thấy tính đúng đắn. Trong lúc trên thế giới còn nhiều băn khoăn về việc có cần đeo khẩu trang để phòng dịch hay không thì chúng ta đã thực hiện đeo khẩu trang rất nghiêm túc, và hiệu quả đã thấy rõ.

Đặc biệt, nhờ tinh thần chủ động, nước ta nhanh chóng triển khai công tác nghiên cứu, phân lập virus, làm cơ sở nghiên cứu thành công các bộ KIT xét nghiệm phát hiện người nhiễm virus, tiến tới nghiên cứu vaccine phòng ngừa virus và thuốc đặc trị. Vì thế, Việt Nam trở thành một trong số ít nước phân lập được virus, sản xuất các bộ KIT xét nghiệm cung cấp cho nhiều nước trên thế giới. Không chỉ các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động trong nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị phục vụ công tác PCD, mà rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng rất chủ động tìm tòi, chế tạo dung dịch rửa tay sát khuẩn, sản xuất vải không dệt để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang và trang thiết bị PCD. Nhờ vậy, dung dịch vệ sinh sát khuẩn, khẩu trang và trang thiết bị PCD của Việt Nam không những bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu PCD và dự phòng trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch có thể lây lan trên diện rộng mà số máy thở còn ít, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và các doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo máy thở. Tập đoàn Vingroup đã ngay lập tức sản xuất được mẫu máy thở, sẵn sàng sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, nhiều nước, kể cả những nước phát triển, còn lúng túng trong việc bảo đảm các phương tiện PCD cho các cơ sở y tế, chưa nói tới việc cung cấp cho cộng đồng.

Trên mặt trận chống dịch, nước ta đã chủ động xét nghiệm diện rộng ở những địa bàn, nhóm người có nguy cơ cao để phát hiện kịp thời người nhiễm Covid-19. Nhờ đó, Việt Nam không chỉ khống chế dịch tốt mà còn là nước hiếm hoi có ca mắc bệnh nhưng chưa có ca tử vong vì Covid-19.

Tại nước ta cũng xuất hiện một số ổ dịch trong cộng đồng, như: Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha… Đây là những nơi tập trung rất đông người, khó xác định những người từng lui tới. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, cơ quan chức năng đã chủ động truy vết, tìm ra những người liên quan tới những ổ dịch này để có biện pháp cách ly, theo dõi y tế kịp thời, chặn đứng sự lây lan của virus.

Không chỉ chỉ đạo các biện pháp PCD trong nước, lãnh đạo nước ta còn tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại bàn biện pháp PCD trên phạm vi toàn cầu. Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, các đồng chí lãnh đạo nước ta đã chủ trì, tham gia nhiều cuộc họp quan trọng của Liên hợp quốc, ASEAN về công tác PCD; tham dự và phát biểu tại Khóa họp thứ 73 Đại hội đồng WHO theo hình thức họp trực tuyến với chủ đề “Đại dịch Covid-19”; điện đàm với lãnh đạo nhiều nước về công tác PCD… Do đó, hình ảnh và những đóng góp của Việt Nam cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 toàn cầu là rất rõ nét.

Linh hoạt trong từng tình huống

Do không có thuốc điều trị, không có vaccine ngừa nên cách phòng dịch Covid-19 hiệu quả nhất là cách ly. Nhưng cách ly thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, công tác đối ngoại và hoạt động kinh tế lại là bài toán rất hóc búa.

Trong cả hai đợt cao điểm PCD Covid-19, các phương án “tác chiến” được áp dụng linh hoạt tùy tình hình cụ thể. Ví dụ, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa phức tạp, nước ta chỉ yêu cầu cách ly tập trung với những người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Sau đó, khi dịch bệnh lây lan rộng trên toàn cầu, chúng ta mới yêu cầu cách ly tập trung với tất cả người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, ngành y tế đã cách ly cả xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), vì người nhiễm virus và người tiếp xúc gần với người nhiễm virus đi lại, tiếp xúc với rất nhiều người khác trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đợt bùng phát dịch thứ hai, do việc truy vết được làm tốt, làm sớm nên chỉ cách ly ở khu phố, tổ dân phố, thôn, xóm, tức là quy mô cách ly đã giảm đi rất nhiều.

Vào thời điểm diễn biến dịch căng thẳng, các cửa khẩu biên giới gần như đóng cửa, hàng hóa dồn ứ. Trong hoàn cảnh đó, một số cửa khẩu tại biên giới phía Bắc đã có cách làm sáng tạo để giúp vừa bảo đảm ngăn ngừa dịch, vừa thông quan được hàng  hóa: Lập tổ chuyên trách lái xe hàng qua cửa khẩu. 

Người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được đưa vào cách ly tập trung ngay, nhưng với một số chuyên gia nước ngoài, chúng ta lại có cách xử lý khác là cho phép cách ly tại nơi làm việc, vì nếu họ vắng mặt thì sẽ đình trệ hoạt động sản xuất của cả dây chuyền hoặc cả doanh nghiệp.

Để ngăn chặn đà lây lan của dịch trong cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1 đến 22-4, nhưng không phải là đóng cửa hoàn toàn mà việc cách ly cũng được thực hiện linh hoạt, chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác. Người dân vẫn được ra ngoài khi có nhu cầu cần thiết; các cơ quan nhà nước, bệnh viện, ngân hàng, các siêu thị bán lương thực, thực phẩm và đồ tiêu dùng thiết yếu vẫn mở cửa phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; các doanh nghiệp đáp ứng đủ các quy định về PCD vẫn được tiến hành sản xuất. Phương pháp làm việc trong thời gian cách ly toàn xã hội cũng rất linh hoạt khi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kết hợp giữa làm việc trực tiếp với làm việc trực tuyến. Chính sự linh hoạt ấy góp phần hạn chế sự lây lan của virus, đồng thời không làm đứt gãy các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thiết yếu, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, ngay cả khi cách ly toàn xã hội nhưng kinh tế nước ta vẫn đạt được mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới trong 4 tháng đầu năm.

Hết thời gian cách ly toàn xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương được phân loại thành 3 nhóm (nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp) để thực hiện giãn cách xã hội, tiến tới thôi thực hiện giãn cách. Đó là những phương thức ứng phó rất linh hoạt, vừa bảo đảm hiệu quả tốt nhất cho công tác PCD, vừa ít ảnh hưởng nhất tới cuộc sống của người dân, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vừa qua, trận bóng đá giữa CLB Dược Nam Hà Nam Định và CLB Hoàng Anh Gia Lai tại Cúp Quốc gia của Việt Nam đã được lan truyền khắp thế giới với sự sững sờ, thán phục, vì khán đài sân vận động Thiên Trường được phủ kín bởi 10.000 khán giả. Đó là cuộc "trình diễn" của khán giả có một không hai trên thế giới vào thời điểm này. Nó diễn ra khi Việt Nam đã hơn một tháng không phát hiện bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng. Lãnh đạo nước ta đã rất kiên nhẫn không để các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường sớm nếu trong cộng đồng còn rủi ro của dịch, vì rút kinh nghiệm từ sai lầm của một số nước. Chúng ta chỉ khôi phục các hoạt động trở lại trong trạng thái “bình thường mới” khi thực sự bảo đảm trong cộng đồng đã sạch Covid-19.

Dân tộc Việt Nam là vậy, người Việt Nam là vậy, dù ở trong nước hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới, tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng nhanh với hoàn cảnh luôn được phát huy tối đa để vượt qua khó khăn, thử thách. Những gì diễn ra trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 một lần nữa chứng minh điều đó.

(còn nữa)

GIA MINH - QUANG PHƯƠNG - CHIẾN THẮNG - CÙ HƯƠNG - VŨ DUNG