Trong đợt lũ vừa rồi, một số hộ dân đã chủ động chuẩn bị được nhà tránh lũ nên không bị thiệt hại về người và tài sản. Vậy tại sao, các tổ chức, cá nhân không hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng nhà tránh lũ để ứng phó với mưa lũ lâu dài, giảm thiệt hại?

Mấy năm nay, lũ càng ngày càng lớn, mực nước ngày càng dâng cao. Việc leo lên các mái nhà cũng giảm đi tác dụng vì nước lũ có thể chạm đến tận mái. Trong khi đó, không phải người dân nào cũng có điều kiện xây dựng nhà cao tầng. Do đó, ông Dương Kim Thành ở thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã tự làm nhà phao tránh lũ. Theo đó, nhà phao được thiết kế bằng 4 - 6 thùng phuy trở lên tùy lớn hay nhỏ; cố định bằng 2 cây cọc cắm xuống đất để không bị xô lệch hoặc nước cuốn trôi. Sau khi hoàn thiện, nhà phao sẽ hoạt động theo nguyên lý nước lên thì nhà lên, nước xuống thì nhà cũng xuống.

Ngôi nhà phao của ông Thành có trọng tải 6 tấn, ngoài việc đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình thì có thể chứa được đồ đạc vật dụng trong nhà, từ bàn ghế, lúa gạo cho tới giường chiếu... như một căn nhà thu nhỏ. Nhà phao có tác dụng chống lũ rất lớn, có thể xây dựng theo nhu cầu của người sử dụng. Khi lũ lên, nhà phao giúp người và tài sản tránh lũ; khi khô ráo lại có thể sử dụng như nhà kho cất trữ đồ đạc, lương thực hay thậm chí còn trở thành một tiệm tạp hóa nhỏ.

leftcenterrightdel
Nhà phao tránh lũ do người dân sáng chế.

Theo ông Lê Hữu Thái, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, tại địa phương, các công trình  chống lũ cũng đã triển khai nhưng chưa được nhiều. Đây là một trong những giải pháp “sống chung với lũ” hiệu quả, lâu dài. Rất mong các tổ chức, cá nhân nếu có thể thì ưu tiên hỗ trợ cho mô hình này.

HOA LÊ