Để gây dựng lại cuộc sống, người dân vùng lũ rất cần sự chung tay của cộng đồng, nhưng rất mong các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm với đồng bào cần sẻ chia, thấu hiểu những gì bà con cần lúc này để hỗ trợ. 

Trực tiếp tham gia cứu trợ cho người dân vùng lũ các tỉnh miền Trung, chúng tôi chứng kiến những ngày mưa lũ ngập trắng làng mạc, nhiều xe chở hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước đứng kẹt cứng trên Quốc lộ 1, ở các trung tâm huyện, không thể đưa hàng cứu trợ về được với dân. Một số nhà hảo tâm lội nước đến những nhà bị ngập lũ ít để trao quà cứu trợ, còn ở vùng sâu, vùng xa thì chỉ có ca nô của lực lượng vũ trang khẩn trương sơ tán dân vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Nhiều hộ dân ở vùng ngập lụt sâu bị mất điện dài ngày không có lương thực; có gia đình dự trữ mì ăn liền cũng chỉ biết ăn sống, vì nước ngập bốn bề, không thể nấu nướng. Như thế vô hình chung những nơi lũ ngập nhẹ thì tập trung các đoàn cứu trợ cấp tập, còn ở vùng sâu, vùng xa vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn vì thiếu vắng sự tiếp tế của cộng đồng trong những ngày bị lũ lụt chia cắt. Mặt khác, vẫn biết có nhiều hình thức cứu trợ và nhiều tổ chức, cá nhân muốn trực tiếp cứu trợ cho người dân vùng lũ nên tự tổ chức trao quà, nhưng theo chúng tôi cũng nên tôn trọng chính quyền địa phương. Nếu bên cứu trợ và chính quyền địa phương có sự phối hợp chặt chẽ thì chắc chắn tiền, hàng cứu trợ sẽ được cung cấp đều khắp, tránh nơi ít nơi nhiều, gia đình khó khăn thực sự bị bỏ sót…

leftcenterrightdel

Mô hình nhà nổi tránh lũ ở Tân Hóa, huyện Minh Hóa.

Theo chúng tôi, các cơ quan tiếp nhận cứu trợ cũng như các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ cần tìm hiểu xem người dân vùng lũ cần gì hiện nay để từ đó có kế hoạch hỗ trợ những đồ dùng thiết yếu; tránh tình trạng cái người dân cần thì không có, cái chưa cần thiết thì lại quá nhiều. Rút kinh nghiệm các đợt cứu trợ bão lụt trước đây, hiện nay khi nhận được các liên hệ phối hợp tìm địa chỉ cứu trợ, các địa phương đều yêu cầu phía nhà hảo tâm nên giúp đỡ cho người dân vùng lũ tiền mặt để họ mua sắm được những vật dụng cần thiết sau lũ. Một vấn đề cần quan tâm nữa là sau lũ thường phát sinh dịch bệnh, bởi vậy việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng, phòng, chống dịch bệnh, kể cả dịch Covid-19 cần đặt ra là nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo sức khỏe cho người dân có điều kiện ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. 

Về nhà ở, nhiều người cho biết mô hình nhà tránh lũ (mô hình nhà nổi ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa) xem ra tránh lũ hiệu quả. Mô hình này giúp cho người dân có nơi ở khi nước lũ dâng cao. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần nghiên cứu để khuyến cáo người dân vùng thấp khi xây dựng nhà nên tham khảo mô hình nhà ở này.

Hướng về đồng bào vùng bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt, chia sẻ khó khăn với người dân đúng cách cũng là một cách để chúng ta san sẻ yêu thương, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, giúp họ đứng vững, yên tâm làm lụng, hy vọng chờ đợi những mùa vàng no ấm ở ngày mai. Nhưng chúng ta cần hiểu bà con cần gì lúc này để hỗ trợ sao cho hiệu quả, thiết thực nhất.

Bài, ảnh: LÊ NGUYỄN