Đến Sì Lở Lầu, nếu không gặp được những người như bà Lý U Mẩy thì chẳng mấy ai có thể biết đến tiêu chuẩn sắc đẹp của người Dao Sừng nơi đây. Đó là những người phụ nữ với mái tóc và lông mày nhẵn trụi, cắm “cờ” đỏ trên đỉnh đầu. Bà Mẩy tâm sự: “Phong tục này đã có từ lâu đến nỗi chẳng ai còn nhớ chúng xuất hiện từ khi nào, chỉ biết là truyền từ đời này qua đời khác. Theo quan niệm xưa, phụ nữ Dao Sừng đến tuổi trưởng thành sẽ nhổ trụi tóc cho nhau”.
 |
Bà Lý U Mẩy. |
Đáng nói, dụng cụ nhổ tóc của người Dao Sừng chỉ đơn giản là sợi chỉ chứ hoàn toàn không được cạo, bởi nếu cạo thì sẽ để lại chân tóc, kém thẩm mỹ và không đúng với nét văn hóa của đồng bào Dao Sừng. Theo bà U Mẩy, khi nhổ tóc, sợi chỉ được xoắn đi xoắn lại vào sợi tóc. Công đoạn tiếp theo đòi hỏi người nhổ phải thao tác thật nhanh, giật thật mạnh đến khi sợi tóc đứt. Khi nhổ tóc, không nhổ hết mà vẫn để lại chỏm tóc trên đỉnh đầu. Có thể thấy, đây là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và sức chịu đựng mới đạt được kết quả.
“Sì Lở Lầu là vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước, nên phụ nữ để tóc dài rất khó chịu. Không những vậy, theo quan niệm người Dao Sừng, tóc là nơi trú ngụ của các hồn vía con người, vì vậy nếu nhổ tóc sẽ bỏ đi được bệnh tật. Việc cạo lông mày và nhổ tóc, cắm “cờ” đỏ trên đầu sẽ làm hài hòa trang phục của người Dao Sừng. Điều này khiến họ trở nên cuốn hút hơn trong mắt nam giới. Và việc nhổ tóc chính là dấu hiệu nhận biết người phụ nữ đã “yên bề gia thất”-bà Mẩy không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi về lý do phụ nữ Dao Sừng nhổ tóc.
Nói về việc hiện nay phụ nữ trẻ Dao Sừng đang dần bỏ tục nhổ tóc, cạo lông mày, bà Mẩy cho biết thêm, việc nhổ tóc cũng khiến phụ nữ đau đầu 2-3 ngày. Tuy nhiên, lý do bao quát hơn cả chính là sự tác động, phát triển chung của xã hội. Lớp trẻ Dao Sừng đã được tiếp xúc với những nét văn hóa hiện đại, do đó những tiêu chuẩn về cái đẹp cũng dần thay đổi.
Những “báu vật sống” như bà Lý U Mẩy đã cho thế hệ sau biết được văn hóa lâu đời của đồng bào Dao Sừng, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng người Dao Sừng nói riêng, người Dao nói chung.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC