* Bạn đọc Nguyễn Văn Đường ở thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, hỏi: Mức cho vay, thời hạn cho vay và lãi suất cho vay hỗ trợ đất ở thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 của Chính phủ. Cụ thể như sau:
Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hộ.
Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng tối đa là 15 năm. Trong 5 năm đầu, khách hàng chưa phải trả nợ gốc.
Lãi suất cho vay bằng 3%/năm.
Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
* Bạn đọc Phạm Văn Hà ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trách nhiệm thông báo khi thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của tổ chức tôn giáo được quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại khoản 4, Điều 6, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ. Cụ thể như sau:
Chậm nhất 10 ngày kể từ ngày được chấp thuận địa điểm mới, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung phải chấm dứt sinh hoạt tôn giáo tại địa điểm cũ và có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi có địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung cũ. Trường hợp nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung chuyển địa điểm sinh hoạt tôn giáo đến địa bàn xã khác, người đại diện của nhóm còn có trách nhiệm gửi kèm bản sao có chứng thực văn bản chấp thuận của UBND cấp xã nơi có địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung mới.
Văn bản thông báo nêu rõ tên của tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; tên nhóm; họ và tên người đại diện của nhóm; thời điểm thay đổi; địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung mới; thời điểm chấm dứt sinh hoạt tôn giáo tại địa điểm cũ.
QĐND
Tính đến ngày 20-4-2023, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số được đưa ra trong hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức vào chiều qua (25-4).